Biểu tình phản đối đảo chính ở thành phố lớn nhất Myanmar

Thứ tư, 03/02/2021 07:41 AM - 0 Trả lời

(CLO) Tiếng đập nồi và tiếng còi xe vang dội khắp Yangon, thành phố lớn nhất của Myanmar vào cuối ngày thứ Ba (2/2), khi cuộc biểu tình lan rộng chống lại cuộc đảo chính quân sự lật đổ chính phủ của bà Aung San Suu Kyi.

Nhiều người dân cố đô Yangon, Myanmar, đã đổ ra đường bày tỏ sự phản đối với cuộc đảo chính quân sự vừa diễn ra hôm thứ Hai (1/2) - Ảnh: Reuters

Nhiều người dân cố đô Yangon, Myanmar, đã đổ ra đường bày tỏ sự phản đối với cuộc đảo chính quân sự vừa diễn ra hôm thứ Hai (1/2) - Ảnh: Reuters

Bài liên quan

Trong cuộc biểu tình giận dữ lớn nhất từ ​​trước đến nay tại Myanmar, người dân ở Yangon đã hô vang khẩu hiệu “cái ác biến mất” trong các cuộc biểu tình rầm rộ của họ vào ngày hôm qua (2/2).

San Tint, một người dân ở cố đô Yangon cho biết: “Truyền thống của người Myanmar là xua đuổi ác nghiệp hoặc nghiệp xấu bằng cách đập vào xô thiếc hoặc kim loại”. 

Cuộc đảo chính của quân đội hôm thứ Hai (1/2) đã tạo nên sự bất bình của đông đảo người dân Myanmar, quốc gia mới chỉ bắt đầu chuyển sang chính quyền dân sự được vỏn vẹn 10 năm sau nhiều thập niên dưới sự lãnh đạo của chính quyền quân sự.  

Đảng Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ (NLD) kêu gọi trả tự do cho Suu Kyi khi quân đội nắm quyền vào thứ Hai (1/2) đã bắt giữ bà cùng Tổng thống Win Myint và nhiều quan chức cao cấp của đảng cầm quyền. NLD cũng yêu cầu công nhận chiến thắng của đảng này trong cuộc bầu cử ngày 8 tháng 11.

Trước đó, quân đội đã từ chối chấp nhận chiến thắng trong cuộc tổng tuyển cử của NLD, viện dẫn các cáo buộc gian lận mà không đưa ra bất cứ bằng chứng nào. Quân đội đã bắt giữ các nhà lãnh đạo NLD, trao quyền lực cho Tổng tư lệnh quân đội Min Aung Hlaing và áp đặt tình trạng khẩn cấp trong một năm.

Tại Liên Hợp Quốc, đặc phái viên Myanmar của tổ chức lớn nhất thế giới Christine Schraner Burgener đã kêu gọi Hội đồng Bảo an “cùng nhau gửi một tín hiệu rõ ràng ủng hộ nền dân chủ ở Myanmar”.

Hội đồng bảo an đang đàm phán về một tuyên bố có thể sẽ lên án cuộc đảo chính, kêu gọi quân đội tôn trọng pháp quyền và nhân quyền, đồng thời thả ngay lập tức những người bị bắt giữ bất hợp pháp, các nhà ngoại giao cho biết. Nhưng Hội đồng bảo an cần có sự đồng thuận trong hội đồng gồm 15 thành viên để có thể đưa ra tuyên bố chính thức.

Bà Schraner Burgener cũng cho biết trong một cuộc họp riêng của Hội đồng bảo an rằng, “đề xuất về việc tổ chức bầu cử lại một lần nữa của quân đội Myanmar nên được khuyến khích”.

Trung Quốc, quốc gia có quan hệ sâu sắc với quân đội ở Myanmar, phần lớn giữ im lặng, nhưng một nhà ngoại giao thuộc phái bộ Liên hợp quốc của Trung Quốc cho biết sẽ khó đạt được đồng thuận về dự thảo tuyên bố.

“Chúng tôi quan điểm rằng bất kỳ hành động nào của Hội đồng cũng phải góp phần vào sự ổn định chính trị và xã hội của Myanmar cũng như hòa bình và hòa giải của Myanmar, tránh làm leo thang căng thẳng hoặc làm phức tạp thêm tình hình”, nhà ngoại giao này nói.

Các quan chức Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cho biết, việc quân đội tiếp quản quyền lực được xác định là đảo chính, gây ra các hạn chế trong hỗ trợ nước ngoài. Viện trợ nhân đạo, bao gồm cả cho người thiểu số Hồi giáo Rohingya không quốc tịch và các chương trình thúc đẩy dân chủ hoặc mang lại lợi ích cho xã hội dân sự sẽ vẫn được duy trì.

Chính quyền của Tổng thống Joe Biden đã đe dọa sẽ áp dụng lại các biện pháp trừng phạt đối với các tướng lĩnh nắm quyền.

Binh lính được triển khai khắp nơi ở các thành phố lớn của Myanmar sau cuộc đảo chính quân sự - Ảnh: AFP

Binh lính được triển khai khắp nơi ở các thành phố lớn của Myanmar sau cuộc đảo chính quân sự - Ảnh: AFP

Cam kết bầu cử lại

Tổng tư lệnh Min Aung Hlaing nói trong cuộc họp đầu tiên của chính phủ mới của ông vào thứ Ba (2/2) rằng, việc quân đội nằm quyền không thể tránh khỏi khi cuộc tổng tuyển cử bị cáo buộc gian lận. Tuy nhiên, Ủy ban bầu cử đã bác bỏ cáo buộc.

Ông Hlaing nói, bầu cử và chiến đấu với COVID-19 là ưu tiên của quân đội. Trước đó, ông hứa về một cuộc bầu cử tự do và công bằng và bàn giao quyền lực cho người chiến thắng, nhưng không đưa ra khung thời gian.

Đảng NLD yêu cầu trả tự do cho tất cả những người bị giam giữ “càng sớm càng tốt”. Họ cũng kêu gọi quân đội công nhận kết quả bầu cử và cho phép quốc hội mới được phép ngồi vào ngày thứ Hai.

Quan chức của đảng NLD Kyi Toe cho biết trong một bài đăng trên Facebook rằng, họ đã biết bà Suu Kyi "có sức khỏe tốt" và đang bị quản thúc ở nhà riêng.

Bà Suu Kyi, 75 tuổi, đã phải chịu đựng khoảng 15 năm quản thúc tại gia từ năm 1989 đến năm 2010 khi bà lãnh đạo phong trào dân chủ chống lại quân đội, tổ chức đã giành chính quyền trong cuộc đảo chính năm 1962 và dập tắt mọi bất đồng cho đến khi đảng của bà lên nắm quyền vào năm 2015.

Vị thế quốc tế của bà với tư cách là một biểu tượng nhân quyền đã bị tổn hại nặng nề sau việc trục xuất hàng trăm nghìn người Rohingya vào năm 2017 và sự bảo vệ của quân đội trước những cáo buộc diệt chủng. Nhưng bà vẫn cực kỳ nổi tiếng ở quê nhà và được tôn kính là con gái của anh hùng độc lập của Myanmar, Aung San.

Chiến dịch bất tuân dân sự

Các nhóm hoạt động đã đưa ra một loạt các thông điệp trên mạng xã hội kêu gọi sự bất tuân dân sự. Các bác sĩ tại hơn 20 bệnh viện cho biết họ sẽ tham gia một chiến dịch bất tuân dân sự.

Myo Thet Oo, một bác sĩ tham gia cho biết: “Chúng tôi không thể chấp nhận các nhà độc tài và một chính phủ không được bầu chọn”.

Ứng dụng nhắn tin ngoại tuyến Bridgefy cho biết nó đã được tải xuống hơn 1 triệu lần ở Myanmar. Các nhà hoạt động ở quốc gia Đông Nam Á này đã khuyến khích việc tải xuống Bridgefy như một giải pháp cho sự gián đoạn kết nối điện thoại và internet.

Cuộc đảo chính đánh dấu lần thứ hai quân đội từ chối công nhận chiến thắng trong cuộc bầu cử của đảng NLD, đồng thời bác bỏ kết quả của các cuộc thăm dò năm 1990 nhằm mở đường cho chính phủ đa đảng.

Sau các cuộc biểu tình quần chúng do các nhà sư Phật giáo lãnh đạo vào năm 2007, các tướng lĩnh đã đặt ra một lộ trình cho sự thỏa hiệp, trong khi không bao giờ từ bỏ quyền kiểm soát tối cao.

NLD lên nắm quyền sau cuộc bầu cử năm 2015 theo hiến pháp đảm bảo vai trò của quân đội trong chính phủ, bao gồm một số bộ chính và quyền phủ quyết hiệu quả đối với cải cách hiến pháp.

Hôm qua (2/2), chính quyền quân sự Myanmar đã bổ nhiệm các bộ trưởng mới. Một giám đốc ngân hàng trung ương mới đã được bổ nhiệm vào cuối ngày thứ Ba, ông Than Nyein, người từng giữ vai trò này từ năm 2007 đến năm 2013 dưới thời chính quyền trước đó.

Tin khác

Hiện tượng tẩy trắng san hô toàn cầu lần thứ tư: Ảnh hưởng là gì?

Hiện tượng tẩy trắng san hô toàn cầu lần thứ tư: Ảnh hưởng là gì?

(CLO) Các rạn san hô trên khắp thế giới đang trải qua hiện tượng tẩy trắng hàng loạt lần thứ tư được ghi nhận trong lịch sử do khủng hoảng khí hậu khiến nhiệt độ đại dương tăng kỷ lục.

Thế giới 24h
Cháy lớn ở sàn giao dịch chứng khoán lịch sử của Đan Mạch

Cháy lớn ở sàn giao dịch chứng khoán lịch sử của Đan Mạch

(CLO) Hỏa hoạn nghiêm trọng đã xảy ra ở Sở giao dịch chứng khoán cũ của Copenhagen, một trong những tòa nhà nổi tiếng nhất thủ đô Đan Mạch, vào thứ Ba (16/4).

Thế giới 24h
Nhà tù nữ ở California phải đóng cửa vì lạm dụng tình dục

Nhà tù nữ ở California phải đóng cửa vì lạm dụng tình dục

(CLO) Cục Nhà tù Liên bang của Mỹ thông báo vào ngày 15/4 rằng họ sẽ đóng cửa nhà tù nữ FCI Dublin ở California, sau hãng tin AP điều tra và phát hiện nhân viên và quản giáo nhà tù đã lạm dụng tình dục tù nhân.

Thế giới 24h
Israel có thể tấn công đáp trả Iran như thế nào?

Israel có thể tấn công đáp trả Iran như thế nào?

(CLO) Hôm 15/4, nội các chiến tranh Israel đã thể hiện sự quyết tâm đáp trả cuộc tấn công của Iran. Bất chấp áp lực từ các đồng minh, họ hiện đang tranh luận về thời điểm và phạm vi phản ứng.

Thế giới 24h
Hàng không thế giới rối loạn vì căng thẳng tại Trung Đông

Hàng không thế giới rối loạn vì căng thẳng tại Trung Đông

(CLO) Cuộc tấn công bằng tên lửa và máy bay không người lái của Iran vào Israel hôm 13/4 đã ngành hàng không thế giới hỗn loạn.

Thế giới 24h