Tiến sĩ Nguyễn Đức Kiên - Tổ trưởng Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng:

Chính phủ đã có những hoạt động điều hành “rất được” trong năm 2021

Thứ bảy, 01/01/2022 08:00 AM - 0 Trả lời

(NB&CL) Nhà báo & Công luận đã có cuộc trò chuyện đầu năm cùng Tiến sĩ Nguyễn Đức Kiên- Tổ trưởng Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng để cùng nhìn lại những điều “được và chưa được” trong năm 2021 và những quan điểm, giải pháp khôi phục, phát triển nền kinh tế trong thời gian tới.

Năm 2021 trôi qua với rất nhiều biến động về kinh tế, xã hội do tác động của đại dịch COVID-19. Nhưng nhìn lại, mặc dù kết quả một số chỉ tiêu kinh tế đã không đạt như kỳ vọng, nhưng nền kinh tế vẫn có những điểm sáng. Và điều quan trọng là trong khó khăn, Chính phủ nhiệm kỳ mới đã có những chỉ đạo điều hành linh hoạt, hiệu quả, giúp cộng đồng doanh nghiệp và người dân vượt qua thời khắc khó khăn nhất. Đó cũng là những yếu tố cơ bản để hy vọng nền kinh tế sẽ sớm ổn định, phục hồi và tiếp tục phát triển trong năm 2022. Nhà báo & Công luận đã có cuộc trò chuyện đầu năm cùng Tiến sĩ Nguyễn Đức Kiên - Tổ trưởng Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng và một số chuyên gia kinh tế để cùng nhìn lại những điều “được và chưa được” trong năm 2021 và những quan điểm, giải pháp khôi phục, phát triển nền kinh tế trong thời gian tới.
Bài liên quan

Năm 2021, trong đại dịch khó khăn bủa vây mà kinh tế vĩ mô giữ được sự ổn định là quý lắm

+ Thưa TS. Nguyễn Đức Kiên, nhìn lại năm 2021, ông thấy trong điều hành phát triển kinh tế, xã hội của Chính phủ, có những điểm gì được và chưa được?

- 2021 là một năm thành công cũng nhiều mà việc phải rút kinh nghiệm cũng lắm. 

Điểm được đầu tiên cần nói đến là kinh tế vĩ mô ổn định. Nói gì thì nói, trong đại dịch khó khăn bủa vây mà vĩ mô giữ được sự ổn định là quý lắm.

Điểm được thứ hai là giữa những câu chuyện phức tạp như thế nhưng Chính phủ đã luôn có những quyết định đi trước để ứng phó với tình hình biến động rất nhanh đó. Tất nhiên nếu nói quyết định đó của Chính phủ đã đáp ứng được 100% mong mỏi thì không có. Trong thực tế không thể có chuyện đáp ứng được 100% điều mong muốn, đáp ứng được 70-80% là tốt rồi.

chinh phu da co nhung hoat dong dieu hanh rat duoc trong nam 2021 hinh 1

Với những quyết định đi trước, Chính phủ đã kịp thời đưa ra các chính sách, giải pháp hỗ trợ những đối tượng cần hỗ trợ, đó là người dân, là doanh nghiệp, là giữ thị trường.

Về doanh nghiệp, Chính phủ cũng đã có một số chính sách hỗ trợ doanh nghiệp như tạo điều kiện cho các doanh nghiệp vẫn có thể đi vay được từ các tổ chức tín dụng, giãn giảm thuế, phí…

Về người lao động, ta thấy có thực tế là từ cuối tháng 5/2021, dịch bùng phát mạnh ở TP.HCM, Bắc Ninh, Bắc Giang thì đến tháng 6, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 68/NQ-CP về hỗ trợ cho người lao động và cho doanh nghiệp.

Và để giữ thị trường, sang tháng 7, sau khi Ngân hàng Nhà nước làm việc với Bộ Tài chính Mỹ, phía Mỹ đã xác nhận Việt Nam không phải là quốc gia thao túng tiền tệ. Như vậy là ta vẫn giữ được thị trường cho doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam. 

Điểm được nữa là những hoạt động điều hành rất tích cực của Chính phủ trong chống dịch. Dịch bệnh COVID-19 là vấn đề mà cả thế giới chưa từng gặp, lại liên tục diễn biến bất ngờ với những biến chủng mới không lường trước được. Để chống dịch, trong điều hành chúng ta đã có các chính sách từ trước nay chưa từng có.

chinh phu da co nhung hoat dong dieu hanh rat duoc trong nam 2021 hinh 2

Sai thì sửa. Chưa đúng thì điều chỉnh. Phương án đưa ra chưa tối ưu thì ta đưa ra phương án khác. Trong chống dịch chúng ta đã làm như vậy.

+ Vâng, như ông đã nói, việc cần rút kinh nghiệm cũng lắm, vậy đâu là những điểm chưa được?

- Còn có 3 cái chưa được: Thứ nhất là tăng trưởng kinh tế thấp;

Thứ hai là dịch bệnh tàn phá nặng nề đến nền kinh tế và số người chết trong dịch bệnh cỡ hơn 23.000 người là con số rất lớn.

Thứ ba là điều hành chống dịch cũng có lúc còn lúng túng, có vấn đề,  không thống nhất trong cả nước. Vẫn là tiếng kèn ngập ngừng lúc mở ra lúc co vào khiến cho tâm lý xã hội, tâm lý cả người dân và doanh nghiệp luôn trong trạng thái chờ đợi.

Nhìn chung, 2021 là một năm thành công cũng nhiều mà việc phải rút kinh nghiệm cũng nhiều vì mỗi nơi một cách làm khác nhau. Cũng không thể nói cách làm của các địa phương không đúng, có vận dụng vào tùy tình hình đặc điểm của từng nơi nhưng đảm bảo hai nhiệm vụ chống dịch và phát triển kinh tế.

Để phục hồi nền kinh tế, chính sách tài khóa phải đi trước một bước

+ Một chương trình phục hồi kinh tế đang được xây dựng, và đang có nhiều ý kiến khác nhau về các giải pháp, các chính sách cần đưa ra trong chương trình này?

- Đây là vấn đề đau đầu. Đến thời điểm này đa phần đều thống nhất là nên có gói hỗ trợ để thúc đẩy tốc độ tăng trưởng để tăng trưởng cao hơn.

Nếu cứ để bình thường thì kinh tế cũng sẽ dần phục hồi. Nhưng có gói hỗ trợ thì sự phục hồi nhanh hơn và tăng trưởng cao hơn.

Nhưng chúng ta phải nói thật là giữa các chuyên gia kinh tế, quan điểm cũng rất khác nhau về gói này.

Người thì nói là hỗ trợ trực tiếp cho người dân và doanh nghiệp, người thì nói nên hỗ trợ qua dự án đầu tư công, người thì nói là hỗ trợ thông qua ngân hàng cho vay. Nhưng đưa ra một gói hỗ trợ phát triển kinh tế cũng phải dự báo là tổn thất kinh tế là bao nhiêu thì tôi chưa thấy câu trả lời.

Không thể cứ nhìn thế giới họ đưa ra hỗ trợ 20% GDP, 30% GDP và nói Việt Nam cũng nên làm thế. Điều quan trọng là cần phải dự báo được tác động của các gói hỗ trợ tới tăng trưởng, tới nền kinh tế và phải lường cả tổn thất nếu có. Nếu chỉ tung ra các gói hỗ trợ quy mô lớn theo cách các nước đã làm mà không tính đến tác động của nói thì là cách làm “ném tiền qua cửa sổ” mà không biết nó đi đâu.

chinh phu da co nhung hoat dong dieu hanh rat duoc trong nam 2021 hinh 3

Về quy mô và nguồn lực của gói hỗ trợ, tôi cho rằng cần hiểu gói hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế không chỉ trong chờ vào Nhà nước mà phải tính tất cả con số người dân, doanh nghiệp, hệ thống tín dụng và ngân sách nhà nước đã đưa vào nền kinh tế.

+ Đơn cử như, trong 10 tháng đầu năm 2021, chỉ riêng các doanh nghiệp bất động sản phát hành trái phiếu đã tới 172.000 tỷ đồng. Thế chúng ta có tính con số này trong gói phục vụ cho phát triển hay không?

Và điều tôi muốn nói nữa là trong chương trình hỗ trợ này cần phải có sự kết hợp hài hòa giữa gói tài chính - tài khóa và gói tiền tệ.

Cũng có ý kiến đề xuất cho các ngân hàng thương mại hạ dự trữ bắt buộc xuống 0,5% để các ngân hàng hạ lãi suất cho vay. Theo tôi để phục hồi nền kinh tế, chính sách tài khóa phải đi trước một bước. Còn chính sách tiền tệ sẽ hỗ trợ cho chính sách tài khóa để giữ được ổn định vĩ mô. 

+ Có nhiều ý kiến đề xuất trong Chương trình phục hồi kinh tế này cần có một gói hỗ trợ lãi suất dùng ngân sách nhà nước. Nhưng cũng có ý kiến nhắc lại những năm 2008-2009, chúng ta đã từng tung ra gói hỗ trợ lãi suất nhưng hiệu quả không như mong đợi và hệ lụy đến nay vẫn còn?  

- Theo tham mưu của Bộ Tài chính với Chính phủ đưa ra gói kích cầu bằng hỗ trợ lãi suất, khoảng với  20.000 tỷ mỗi năm, cả hai năm sẽ khoảng 40.000 tỷ đồng. Như vậy, nếu hỗ trợ lãi suất 4% thì có 1 triệu tỷ đồng đưa vào nền kinh tế mà không làm tăng bội chi ngân sách, nợ công.

Từ kinh nghiệm của gói kích cầu năm  2008 -  2009 cho thấy nếu lần này chúng ta thay đổi được cách làm thì giải pháp hỗ trợ lãi suất lần này đưa ra sẽ đạt được mục tiêu.

Những năm 2008-2009, chúng ta hỗ trợ lãi suất thông qua ngân hàng thương mại cho vay lãi suất thấp hơn lãi suất cho vay bình thường và ngân sách nhà nước bù cho ngân hàng phần chênh lệch lãi suất đó. Sau đó chúng ta mới quyết toán, tức là dồn hết rủi ro cho người làm.

Đợt này có ý kiến đề xuất Bộ Kế hoạch và Đầu tư đưa danh mục dự án được hưởng hỗ trợ lãi suất, và cả Ngân hàng và Tài chính phải căn cứ trên danh sách mà Bộ Kế hoạch và Đầu tư đưa ra để triển khai. 

Cũng có ý kiến cho rằng hỗ trợ thẳng vào lãi suất cho vay qua ngân hàng thương mại. Cũng có ý kiến cho rằng cứ để ngân hàng thương mại hoạt động cho vay bình thường, còn doanh nghiệp nào được hỗ trợ lãi suất thì đến thẳng Bộ Tài chính hoặc Kho bạc Nhà nước để nhận tiền.

Để triển khai gói hỗ trợ lãi suất lần này, theo tôi, không hỗ trợ lãi suất thẳng vào lãi suất cho vay qua ngân hàng. Những đối tượng trong diện được hỗ trợ vẫn đến ngân hàng làm thủ tục vay vốn, ngân hàng vẫn thẩm định và nếu thấy đạt yêu cầu về kinh tế thì cho vay theo hình thức thu lãi cuối năm. Như vậy đối tượng được hỗ trợ vẫn được vay vốn với lãi suất hỗ trợ và trong năm không phải lo trả lãi.

Đến cuối năm, phần chênh lệch lãi suất ngân hàng cho vay hỗ trợ doanh nghiệp này sẽ được ngân sách bù lại bằng cách trừ vào số thuế thu nhập doanh nghiệp mà ngân hàng phải nộp. 

 Như vậy tuy rằng nguồn gốc số tiền hỗ trợ lãi suất vẫn là từ ngân sách nhà nước nhưng ngân sách không phải bỏ tiền ra ngay, còn doanh nghiệp được hỗ trợ ngay, ngân hàng cũng vẫn cho vay bình thường.

Việc hỗ trợ lãi suất theo cách làm này là cách ai vẫn làm việc của người đó như bình thường, và sẽ giảm nhiều thủ tục, nhiều công việc, cách thực hiện cũng đơn giản hơn cách đưa tiền hỗ trợ lãi suất như đã làm những năm 2008-2009.

chinh phu da co nhung hoat dong dieu hanh rat duoc trong nam 2021 hinh 4

Với cách này ngân hàng vẫn cho vay và vẫn có trách nhiệm việc thẩm định và cho vay với khoản cho vay ra, theo dõi xem người vay có khả năng trả nợ không vốn có được sử dụng đúng mục đích hay không. Phía cơ quan tài chính không phải xuất tiền ngay cũng không tốn thêm người lo xác minh đối tượng, cấp tiền và theo dõi khoản tiền hỗ trợ đưa ra. 

Với cách hỗ trợ theo đề xuất này,  nếu ngân hàng nào đó hết zoom tín dụng thì được vay trên thị trường 2. Vậy là ta chỉ đạo dùng công cụ tiền tệ. và toàn bộ tiền lưu thông trên mặt bằng kinh tế mình vẫn kiểm soát được và cũng giảm được rủi ro khoản cho vay hỗ trợ lãi suất trở thành nợ xấu. 

Năm 2022 phải mở cửa

+ Nếu dịch COVID-19 vẫn kéo dài trong năm 2022, dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp thì liệu chúng ta có nên mở cửa, thưa ông?

- Tình hình phía trước còn rất bất định, giờ chúng ta ngồi đây không ai dám chắc vẽ ra bức tranh sang năm dịch bệnh sẽ thế nào. Nhưng không có gì gọi là không kiểm soát được cả. Và sống chết gì năm 2022 cũng phải mở cửa. Ai không mở cửa thì chịu trách nhiệm trước dân trước đất nước. Chúng ta đã bỏ 2 tỷ USD  mua vắc-xin rồi mà không mở cửa thì mua vắc-xin làm gì.

Còn giải pháp gì để nền kinh tế phục hồi nhanh, theo tôi, mọi người cứ làm đúng chức năng của mình đã được quy định. 

+ Khi bàn về phục hồi kinh tế, cũng nhiều ý kiến khác nhau về chuyện tăng nợ công nới bội chi, nhưng cũng ý kiến e ngại nếu làm vậy sẽ khiến vĩ mô bất ổn và lạm phát tăng cao. Quan điểm của ông về vấn đề này?

- Để có nguồn lực cho đầu tư, cho phục hồi kinh tế thì bắt buộc phải nới bội chi và tăng nợ công. Nhưng tăng bội chi và nợ công trong khoảng kiểm soát được và tùy theo khả năng hấp thụ của nền kinh tế.

Trần nợ công hay tỷ lệ bội chi chúng ta đưa ra để bảo đảm an ninh an toàn tài chính và ổn định vĩ mô. Trần nợ công được đưa ra là ở nhiệm kỳ 2011-2015 để kiểm soát nợ công, để đảm bảo sang chu kỳ trả nợ là 2016-2020 số chi trả nợ không vượt quá 25% nguồn thu của ngân sách… Nếu không sẽ không đảm bảo an toàn an ninh tài chính, tiền tệ quốc gia.

Trần nợ được đưa ra cho giai đoạn này là nợ công không quá 65%, nợ Chính phủ không được vượt quá 55% GDP… 

Nhưng nay, GDP của ta tăng lên. Trước đây, tổng thu ngân sách chỉ 800.000 tỷ đồng nhưng giờ số thu của ta lên đến 1,3 triệu tỷ đồng thì tỷ lệ trả nợ 25% trên tổng thu ngân sách mới này đã là con số tuyệt đối tăng so với trước nhưng tỷ lệ nợ/GDP cũng vẫn thấp. Vì thế nếu có tăng nợ hay không không có vấn đề gì về tỷ lệ nợ/GDP hay về số nợ, nhưng quan trọng là nợ phải dựa trên khả năng trả nợ của ngân sách và cơ cấu nợ - trong cơ cấu nợ thì chủ yếu là nợ trong nước và giảm nợ vay nước ngoài.

Đầu tư vẫn đóng vai trò quan trọng trong phục hồi kinh tế

+ Thưa ông, vai trò của đầu tư trong giai đoạn phục hồi và phát triển này như thế nào, và huy động nguồn lực đầu tư như thế nào để đạt mục tiêu, để có hiệu quả?

- Để đẩy nhanh hồi phục kinh tế thì trọng tâm vẫn là đầu tư. Đầu tư vẫn đóng vai trò quan trọng trong phục hồi kinh tế. Đầu tư vừa kích cầu, vừa tạo công ăn việc làm, tạo ra tăng trưởng, tạo ra kết cấu hạ tầng phục vụ cho tăng trưởng kinh tế, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân…

Đầu tư bao gồm cả 3 đầu tư: đầu tư công, đầu tư tư nhân, và đầu tư FDI. Trong đó đầu tư công là vốn mồi. Trong một số ngành và lĩnh vực cần đầu tư công làm trước, còn lại là huy động các thành phần kinh tế khác tham gia vào.

Đầu tư công thì vẫn tập trung vào kết cấu hạ tầng bao gồm hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông, hệ thống kết cấu năng lượng và hệ thống kết cấu hạ tầng để phục vụ nông nghiệp cũng như hạ tầng công nghệ số.

Với đầu tư tư nhân, trọng tâm là phải hướng họ đầu tư vào những ngành hàng và lĩnh vực đang có thị trường và sử dụng nhiều lao động. Và với FDI, thì phải tập trung thu hút những ngành nghề, những doanh nghiệp đủ lớn mà họ có cam kết lôi kéo được doanh nghiệp Việt vào chuỗi giá trị của họ và ta tận dụng được khả năng của họ đó là họ đang có thị trường.

+ Xin trân trọng cảm ơn ông về cuộc phỏng vấn này.

Hà Nguyễn (Thực hiện)

Bình Luận

Tin khác

CPI quý I/2024 tăng 3,77%, một phần là do giá gạo tăng “phi mã”

CPI quý I/2024 tăng 3,77%, một phần là do giá gạo tăng “phi mã”

(CLO) Trong quý I/2024, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 3,77%. Trong đó, gạo là mặt hàng tăng mạnh nhất trong quý, với mức tăng 21,71% so với cùng kỳ năm trước.

Kinh tế vĩ mô
Chưa hoàn thiện chuỗi cung ứng, Việt Nam mất nhiều cơ hội thu hút FDI

Chưa hoàn thiện chuỗi cung ứng, Việt Nam mất nhiều cơ hội thu hút FDI

(CLO) Việc chưa hoàn thiện chuỗi sản xuất khiến Việt Nam mất đi khá nhiều cơ hội trong thu hút đầu tư nước ngoài. Đặc biệt, nhiều doanh nghiệp “nội” chưa đáp ứng được yêu cầu, chất lượng của các nhà đầu tư nước ngoài.

Kinh tế vĩ mô
GDP quý I/2024 tăng 5,66%, mức tăng cao nhất kể từ năm 2020

GDP quý I/2024 tăng 5,66%, mức tăng cao nhất kể từ năm 2020

(CLO) Quý I/2024, GDP Việt Nam ước tính tăng 5,66% so với cùng kỳ năm trước, đây là mức tăng cao nhất kể từ năm 2020.

Kinh tế vĩ mô
Tập đoàn Heraeus (Đức) nghiên cứu đầu tư dự án tại Thái Bình

Tập đoàn Heraeus (Đức) nghiên cứu đầu tư dự án tại Thái Bình

(CLO) Tiếp tục chương trình trong chuyến công tác xúc tiến đầu tư tại CHLB Đức, đoàn công tác của tỉnh Thái Bình do Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Khắc Thận làm trưởng đoàn đã tới thành phố Frankfurt, CHLB Đức và có buổi làm việc với Tập đoàn Heraeus.

Kinh tế vĩ mô
Ninh Bình: Phát triển từ 1-3 điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP gắn với phát triển làng nghề, dịch vụ du lịch trong năm 2024

Ninh Bình: Phát triển từ 1-3 điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP gắn với phát triển làng nghề, dịch vụ du lịch trong năm 2024

(CLO) Ngày 28/3, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tổ chức hội nghị đánh giá kết quả thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) tỉnh Ninh Bình năm 2023 và triển khai các nhiệm vụ trọng tâm thực hiện Chương trình năm 2024.

Kinh tế vĩ mô