Việt Nam thực thi chủ quyền biển đảo

Kỳ 3: Hải đội Hoàng Sa - chuyện về những người lính đảo đầu tiên 

Thứ năm, 14/11/2019 09:32 AM - 0 Trả lời

(NB&CL) Trong hàng loạt động thái thực thi chủ quyền biển, đảo quốc gia của triều Nguyễn, câu chuyện phát triển thủy quân, đưa thủy quân ra Trường Sa, Hoàng Sa để khẳng định chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc đã được nhắc đến nhiều.

Bài liên quan

Nó cho thấy trong suốt quá trình tồn tại, các vị vua triều Nguyễn đã sớm nhận thức rất rõ rằng biển, đảo có ý nghĩa quan trọng đối với sự tồn vong của triều đại, với an ninh quốc gia, dân tộc.

Phương thức thực thi chủ quyền độc đáo

Theo nhiều tài liệu, công việc thực thi chủ quyền ở khu vực hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thật sự được bắt đầu khi chúa Nguyễn Phúc Nguyên (1613-1635) - vị chúa thứ hai của nhà Nguyễn lên nắm quyền và đặt ra các đội Hoàng Sa, Bắc Hải đặc trách công việc khai thác và bảo vệ biển Đông từ tuyến ngoài (khoảng trước năm Tân Mùi (1631). Đây được xem là phương thức thực thi chủ quyền độc đáo của nhà nước Việt Nam trên các vùng quần đảo giữa biển Đông. Đội Hoàng Sa được cho là hoạt động đến hết thời kỳ chúa Nguyễn, cả thảy 7-8 đời chúa, gần một thế kỷ rưỡi. 

Thuyền chiến, thuyền buồm, thuyền chỉ huy thời vua Minh Mạng triều Nguyễn.

Thuyền chiến, thuyền buồm, thuyền chỉ huy thời vua Minh Mạng triều Nguyễn.

Tới triều đại Tây Sơn của vua Quang Trung - Nguyễn Huệ, các đội Hoàng Sa và Bắc Hải tiếp tục được tổ chức với chức năng chủ yếu là bảo vệ và khai thác vùng quần đảo xa giữa biển Đông. Sử sách còn ghi lại lá đơn của Hà Liễu - Cai hợp phường Cù Lao Ré, xã An Vĩnh, huyện Bình Sơn, phủ Hòa Nghĩa (tức Quảng Ngãi) - trình lên chính quyền Tây Sơn vào ngày 15 tháng Giêng niên hiệu Cảnh Hưng thứ 36 (1775) triều vua Lê Hiển Tông về việc “chấn chỉnh lại đội Hoàng Sa”: “Bây giờ chúng tôi lập hai đội Hoàng Sa và Quế Hương như cũ gồm thêm dân ngoại tịch, được bao nhiêu xin làm sổ sách dâng nạp, vượt thuyền ra các cù lao ngoài biển tìm nhặt các vật hạng đồng, thiếc, hải ba, đồi mồi được bao nhiêu xin dâng nạp. Nếu như có truyền báo xảy chinh chiến, chúng tôi xin vững lòng ứng chiến với kẻ xâm phạm, xong việc rồi chúng tôi lại xin tờ sai ra tìm nhặt báu vật cùng thuế quan đem phụng nạp”.

Cũng trong thời Tây Sơn, đội quân ra biển Đông có thêm một lực lượng có tên gọi là đội Bắc Hải, thành lập khoảng cuối thế kỷ XVII, hoạt động ở phía nam của Biển Đông. Lý do của việc “phát sinh” thêm lực lượng này, theo nhiều phỏng đoán là khi nhà Chúa Nam tiến thành công, quan tâm đến việc mở mang bờ cõi ra biển, tìm ra nhiều đảo, bãi đá san hô ở phía nam của Biển Đông mà lực lượng sẵn có là đội Hoàng Sa không quản lý hết được vùng biển đảo rộng lớn. Đội này do đội Hoàng Sa kiêm quản và cũng có nhiệm vụ giống như đội Hoàng Sa nhưng chỉ hoạt động ở khu vực phía Nam, từ Bắc Hải, Côn Lôn cho đến các đảo ở vùng Hà Tiên. Đội Bắc Hải tuyển người ở thôn Tứ Chính và xã Cảnh Dương thuộc tỉnh Bình Thuận và không cố định số suất thủy thủ như đội Hoàng Sa.

Cũng qua nhiều tư liệu, có thể nói dưới thời Tây Sơn đã xác định được chủ quyền trên các quần đảo ngoài biển Đông. Đơn cử như việc sách Thánh Vũ Ký của Ngụy Nguyên (1794-1857) mô tả “Di thuyền” (thuyền của quân Tây Sơn) cao, to hơn thuyền Trung Hoa, trên đặt nhiều súng, hoành hành lâu năm trên mặt biển và nếu quân nhà Thanh gặp thì cũng khó có thể địch được. Chỉ những chi tiết đó cũng cho thấy đội thủy quân thời Tây Sơn đã có tiềm lực, có khả năng kiểm soát được các tuyến giao thông trên biển, thậm chí đã là chủ nhân của các vùng đảo, quần đảo giữa biển Đông.

Bước tiến thời Minh Mạng

Một điều rất đáng trân trọng là nhìn lại cả tiến trình lịch sử thấy rõ một điều rằng, dù các vương triều có thay đổi nhưng tinh thần yêu nước, tinh thần bảo vệ chủ quyền của các triều đại phong kiến Việt Nam vẫn luôn nhất quán, không gì thay đổi. Minh chứng là sau khi triều Tây Sơn sụp đổ, nhà Nguyễn vẫn tiếp tục chính sách tiến ra biển Đông, khẳng định chủ quyền của Việt Nam trên khu vực các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Các triều: Gia Long, Minh Mạng, Thiệu Trị… đã thực thi chủ quyền của mình bằng nhiều hình thức khác nhau, từ vãn thám, kiểm tra, khảo sát, đo vẽ bản đồ, dựng miếu thờ, lập bia chủ quyền, dựng bài gỗ lưu dấu để ghi nhớ, trồng cây để cho người qua lại dễ nhận biết,… Có thể thấy phần nào về điều này trong phần mô tả của Lê Quý Đôn (1726-1784) trong cuốn Phủ biên tạp lục. Đơn cử như: “Ở ngoài núi Cù Lao Ré có đảo Đại Trường Sa (tức quần đảo Hoàng Sa). Ngày trước, nơi đây thường sản xuất nhiều Hải vật chở đi bán các nơi, nên nhà nước có thiết lập một đội Hoàng Sa để thu nhận các hải vật. Người ta phải đi 3 ngày mới đến được đảo Đại Trường Sa... Ở trong các hòn đảo có bãi cát vàng, dài chừng hơn 30 dặm, bằng phẳng và rộng lớn, nước trong nhìn suốt đáy. Ở trên các hòn đảo có vô số tổ yến, còn các thứ chim thì kể có hàng ngàn, hàng vạn con... Trên bãi có rất nhiều vật lạ như ốc hoa, có thứ mang tên là ốc tai voi, lớn như chiếc chiếu... Lại có thứ ốc được gọi là ốc xà cừ, thứ ốc này để trang sức các đồ dùng... Có thứ đại mạo là con đồi mồi rất lớn. Có con hải ba (ba ba biển) cũng giống như con đồi mồi nhưng nhỏ hơn, mai mỏng, người ta dùng trang sức các đồ dùng...”. Cũng theo sách của Lê Quý Đôn, đội Hoàng Sa gồm 70 suất, lấy người ở xã An Vinh (Quảng Ngãi) bổ sung. Mỗi năm họ luân phiên nhau đi biển. Ra đi từ tháng Giêng. Ra đảo tự bắt chim, cá làm thức ăn... Đến tháng 8 đội Hoàng Sa trở về cửa Eo (cửa Thuận An) rồi lên thành Phú Xuân trình nộp các sản vật đã khai thác được. Nghiệm thu hải vật xong đội Hoàng Sa được bán riêng những con ốc hoa, mai hải ba, hải sâm. Sau đó các thành viên của đội được trở về nhà. Ngoài đội Hoàng Sa, các chúa Nguyễn còn thiết lập thêm đội Bắc hải. Đội Bắc hải không quy định bao nhiêu người. Đội này tàu thuyền nhỏ hơn, hoạt động ở vùng đảo Côn Lôn, ở xứ Cồn Tự thuộc vùng Hà Tiên. Họ chủ yếu khai thác hải sản, ít khi tìm được vàng bạc, đồ vật quý giá từ các tàu đắm như ở Hoàng Sa.

Trong Đại Nam thực lục - bộ biên niên sử của triều Nguyễn - cũng có ghi: “Tháng 7 năm Giáp Tuất (1754) dân đội Hoàng Sa gặp gió to, giạt vào hải phận Quỳnh Châu, thuộc nhà Thanh. Tổng đốc nhà Thanh chu cấp cho lương đầy đủ rồi sai đưa về. Chúa sai viết thư qua... Năm 1815, 1816 vua (Gia Long) cho thủy quân và đội Hoàng Sa ra xem xét, đo đạc thủy trình… Năm 1833, vua (Minh Mạng) bảo Bộ Công rằng: Dải Hoàng Sa trong hải phận Quảng Ngãi, xa trông trời nước một màu không phân biệt được nông hay sâu. Gần đây thuyền buôn thường bị hại. Nay nên dự bị thuyền bè đến sang năm sẽ phái người tới dựng miếu, lập bia, lại trồng nhiều cây cối. Ngày sau cây cối to xanh tốt, người dễ nhận biết, có thể tránh được nhiều mắc cạn. Đó cũng là việc lợi muôn đời vậy”. Đại Nam thực lục cũng ghi: “Năm 1835 dựng ‘thần từ’ ở Hoàng Sa... Hoàng Sa ở hải phận Quảng Ngãi có một chỗ nổi cồn cát trắng, cây cối xanh tốt, giữa cồn có giếng, phía tây nam có miếu cổ, có tấm bia khắc 4 chữ Vạn Lý Ba Bình... Năm ngoái vua (Minh Mạng) định lập miếu ở chỗ ấy, vì gặp lúc sóng gió không làm được. Đến nay mới sai đội thủy quân là Phạm Văn Nguyên đem lính và giám thành cùng phu thuyền hai tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định chuyên chở vật liệu đến dựng miếu (cách tòa miếu cổ 7 trượng). Bên trái dựng bia đá, phía trước miếu xây bình phong. Mười ngày làm xong rồi về”.

Từ những sử liệu trên, có thể thấy dưới triều vua Minh Mạng việc xác lập chủ quyền đất nước được xác lập rộng khắp hơn cả, rõ ràng hơn cả, không chỉ trên đất liền mà còn trên biển Đông. Cũng theo sách Đại Nam thực lục, Minh Mạng rất quan tâm việc xây dựng thuỷ quân. Ông cải tiến, định kích thước và kiểu dáng cho từng hạng thuyền, thống nhất trong phạm vi cả nước để các xưởng đóng cho chuẩn. Đặc biệt, Minh Mạng đã cho đóng thuyền bọc đồng theo mẫu của người Pháp, vào năm Nhâm Ngọ (1822). Ngoài thuyền bọc đồng, năm Mậu Tuất (1838) Minh Mạng cho mua một chiếc tàu máy hơi nước cũ của Pháp đem về tháo ra nghiên cứu để lấy mẫu đóng thử, đến tháng 4 năm sau chiếc tàu máy hơi nước đầu tiên của nước ta đóng xong và chạy thử thành công, tháng 10 cùng năm đó chiếc tàu máy hơi nước thứ 2 cũng được hoàn thành.

Từ đó, vua xây dựng quy thức đóng tàu máy hơi vào năm Canh Tý (1840). Năm Kỷ Hợi (1839), vua Minh Mạng còn ra lệnh tham khảo các tài liệu phương Tây để soạn sách dạy thủy chiến, bản đồ thủy chiến sau đó cho quân lính theo diễn, luyện tập. Thậm chí, năm Canh Tý một cuộc tập trận có mục tiêu giả định lần đầu tiên được tiến hành. Năm Giáp Ngọ (1834) vua đã cho xây dựng pháo đài phòng thủ trên một số hòn đảo trọng yếu. Cũng năm Giáp Ngọ (1834) vua Minh Mạng đã sai Đội trưởng đội Hoàng Sa là Trương Phúc Sĩ dẫn 20 thủy thủ đi đo đạc kích thước, vẽ bản đồ, đo độ nông sâu, địa thế các đảo. Năm Bính Thân (1836) Minh Mạng ban quy định về lệ tuần biển để đánh đuổi cướp biển, thuyền ngoại quốc có ý đồ xâm phạm hải đảo của quốc gia. Vua Minh Mạng còn cho tiến hành xây dựng nơi thờ tự (chùa, miếu), trồng cây, dựng cột, bia chủ quyền tại một số đảo vào các năm Quý Tị (1833), Ất Mùi (1835), Bính Thân (1836)…

Có thể nói đến triều vua Minh Mạng, việc bảo vệ chủ quyền biển đảo đất nước đã có những bước tiến vượt bậc, khẳng định sức mạnh quốc gia trên biển Đông, tăng cường hơn nữa vị trí và chủ quyền của Việt Nam tại các hải đảo nói chung và hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa nói riêng.

Hà Anh

Tin khác

Quảng Nam xác minh tài sản của 86 người có chức vụ, quyền hạn

Quảng Nam xác minh tài sản của 86 người có chức vụ, quyền hạn

(CLO) Qua bốc thăm lựa chọn ngẫu nhiên, Thanh tra tỉnh Quảng Nam chọn ra 86 người tại 12 cơ quan, đơn vị để xác minh tài sản, thu nhập.

Tin tức
Phấn đấu hết năm 2025 Hà Nội có khoảng 439.130 doanh nghiệp

Phấn đấu hết năm 2025 Hà Nội có khoảng 439.130 doanh nghiệp

(CLO) Phấn đấu đến hết năm 2025 trên địa bàn Thành phố có khoảng 439.130 doanh nghiệp, trong đó giai đoạn 2021-2025 số doanh nghiệp thành lập mới khoảng 152.677 doanh nghiệp; đến hết năm 2030 có khoảng 600.000 doanh nghiệp.

Tin tức
Ông Vũ Quốc Nghị được bổ nhiệm làm Trưởng ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Hưng Yên

Ông Vũ Quốc Nghị được bổ nhiệm làm Trưởng ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Hưng Yên

(CLO) Ngày 19/4, Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Hưng Yên tổ chức hội nghị công bố Quyết định bổ nhiệm Trưởng ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh. Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh Trần Quốc Văn dự và chủ trì hội nghị.

Tin tức
Lập Tổ công tác xây dựng Đề án đưa TP HCM trở thành trung tâm dịch vụ lớn của cả nước và khu vực

Lập Tổ công tác xây dựng Đề án đưa TP HCM trở thành trung tâm dịch vụ lớn của cả nước và khu vực

(CLO) Chủ tịch UBND TP Phan Văn Mãi vừa ký Quyết định thành lập Tổ công tác xây dựng Đề án “Xây dựng Thành phố trở thành trung tâm dịch vụ lớn của cả nước và khu vực với các ngành dịch vụ cao cấp, hiện đại, có giá trị gia tăng cao".

Tin tức
Bệnh viện công, tư, Trung ương, địa phương kết hợp mới tạo ra quy hoạch đồng bộ về mạng lưới cơ sở y tế

Bệnh viện công, tư, Trung ương, địa phương kết hợp mới tạo ra quy hoạch đồng bộ về mạng lưới cơ sở y tế

(CLO) Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cho rằng "chỉ khi nào công, tư, Trung ương, địa phương kết hợp lại thì mới tạo ra quy hoạch đồng bộ về mạng lưới cơ sở y tế".

Tin tức