Biển Đông - Khát vọng hòa bình!

Thềm lục địa, vùng đặc quyền kinh tế và quyền của Việt Nam

Thứ năm, 03/10/2019 09:42 AM - 0 Trả lời

(NB&CL) Thời gian gần đây, dư luận thế giới đã nhiều lần lên tiếng xung quanh việc Trung Quốc đưa nhóm tàu khảo sát Hải Dương 8 đến khu vực Bãi Tư Chính, xâm phạm thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Vậy thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế là gì?

Bài liên quan

Vùng đặc quyền kinh tế

Công ước của Liên Hiệp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982, được thông qua ngày 30/4/1982, được coi như “Hiến pháp về biển và đại dương”, Công ước gồm 17 phần, 320 điều và 9 phụ lục, quy định một cách toàn diện về quy chế pháp lý của các vùng biển cũng như các quyền và nghĩa vụ của các quốc gia dù có biển, không có biển hay gặp bất lợi về mặt địa lý trong việc sử dụng, khai thác và quản lý biển và đại dương. Cũng trong Công ước Liên Hợp quốc về Luật Biển 1982, các khái niệm về vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa được quy định rõ ràng, đầy đủ.

Điều 57 Luật Biển 1982 nêu rõ vùng đặc quyền kinh tế không mở rộng quá 200 hải lý kể từ đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải. Vùng đặc quyền kinh tế là một vùng đặc thù trong đó quốc gia ven biển thực hiện thẩm quyền riêng biệt của mình nhằm mục đích kinh tế được Công ước về Luật Biển 1982 quy định.

them luc dia vung dac quyen kinh te va quyen cua viet nam hinh 1

Việt Nam đã, đang triển khai có hiệu quả các hoạt động kinh tế trên biển trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa 200 hải lý.

Theo Điều 58 của Công ước, các quốc gia được hưởng các quyền tự do hàng hải và hàng không... Tuy nhiên, khi thực hiện các quyền và nghĩa vụ của mình trong vùng đặc quyền kinh tế của nước khác, các quốc gia phải tôn trọng luật và quy định mà quốc gia ven biển đã ban hành theo đúng các quy định của UNCLOS.

Điều 62 của Luật Biển 1982 cũng  quy định quyền chủ quyền về kinh tế bao gồm các quyền đối với khai thác tài nguyên sinh vật, tài nguyên không sinh vật của cột nước bên trên đáy biển, của đáy biển và lòng đất dưới đáy biển. Mọi tổ chức, cá nhân nước ngoài muốn khai thác tài nguyên trên vùng đặc quyền kinh tế phải có sự xin phép và đồng ý của quốc gia ven biển.    

Thềm lục địa

Công ước Luật Biển 1982 còn quy định thềm lục địa của một quốc gia ven biển bao gồm đáy biển và lòng đất dưới đáy biển bên ngoài lãnh hải, trên toàn bộ phần kéo dài tự nhiên của lãnh thổ đất liền của quốc gia đó cho đến mép ngoài của rìa lục địa nhưng không vượt quá 350 hải lý tính từ đường cơ sở. Trong trường hợp mép ngoài rìa lục địa có khoảng cách chưa đến 200 hải lý, thềm lục địa của quốc gia được tính là vùng biển có chiều rộng 200 hải lý tính từ đường cơ sở, theo điều 76 của UNCLOS.

Quốc gia ven biển thực hiện các quyền chủ quyền đối với thềm lục địa về mặt thăm dò và khai thác tài nguyên thiên nhiên (khoáng sản, tài nguyên không sinh vật như dầu khí, các tài nguyên sinh vật như cá, tôm...) của mình. Vì đây là đặc quyền của quốc gia ven biển nên không ai có quyền tiến hành các hoạt động như vậy nếu không có sự thỏa thuận của quốc gia đó. Nghĩa là chỉ quốc gia ven biển mới có quyền cho phép và quy định việc khoan ở thềm lục địa bất kỳ vào mục đích gì. Tuy nhiên, quốc gia ven biển khi thực hiện quyền đối với thềm lục địa không được đụng chạm đến chế độ pháp lý của vùng nước phía trên, không được gây thiệt hại đến hàng hải hay các quyền tự do của các quốc gia khác.

Khi tiến hành khai thác thềm lục địa ngoài 200 hải lý kể từ đường cơ sở, quốc gia ven biển phải nộp một khoản đóng góp tiền hay hiện vật theo quy định của công ước. Quốc gia ven biển có quyền tài phán về nghiên cứu khoa học. Mọi nghiên cứu khoa học biển trên thềm lục địa phải có sự đồng ý của quốc gia ven biển. Tất cả các quốc gia khác đều có quyền lắp đặt các dây cáp và ống dẫn ngầm ở thềm lục địa. Quốc gia đặt cáp hoặc ống dẫn ngầm phải thỏa thuận với quốc gia ven biển về tuyến đường đi của ống dẫn hoặc đường cáp đó.

them luc dia vung dac quyen kinh te va quyen cua viet nam hinh 2

Quyền của Việt Nam

UNCLOS quy định trong thềm lục địa, quốc gia ven biển thực hiện các quyền chủ quyền với việc thăm dò và khai thác tài nguyên thiên nhiên như khoáng sản, dầu khí, tôm cá... của mình. Như vậy, theo quy định của UNCLOS, trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của mình, Việt Nam có quyền chủ quyền với việc thăm dò, khai thác khoáng sản, dầu khí…

Với đường bờ biển dài 3.260 km cùng nhiều đảo và quần đảo, Việt Nam là một quốc gia ven biển có đầy đủ các quyền và tuân thủ các nghĩa vụ được quy định trong UNCLOS. Theo Công ước, mỗi quốc gia ven biển có 5 vùng biển gồm: nội thủy, lãnh hải, vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam đã nhiều lần nhấn mạnh: “Việt Nam có chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với các vùng biển ở Biển Đông được xác định theo đúng các quy định của Công ước của Liên Hợp quốc về Luật Biển 1982 mà Việt Nam và các nước ở Biển Đông đều là thành viên. Do đó, mọi hoạt động của nước ngoài trên các vùng biển Việt Nam phải tuân thủ các quy định có liên quan của UNCLOS 1982, pháp luật Việt Nam. Mọi hoạt động của nước ngoài trên các vùng biển Việt Nam nếu không được phép của Việt Nam đều vô giá trị, xâm phạm vùng biển Việt Nam, vi phạm luật pháp quốc tế và UNCLOS 1982…”

Theo Tiến sĩ Trần Công Trục - nguyên Trưởng Ban Biên giới Chính phủ, các khu vực bãi cạn Tư Chính, Vũng Mây, Quế Đường, Huyền Trân… ở cách bờ biển Việt Nam dưới 200 hải lý, hoàn toàn nằm trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa thuộc quyền chủ quyền và quyền tài phán  của Việt Nam.

Nơi đây, Việt Nam đang tiến hành thăm dò khai thác dầu khí và đã xây dựng các cụm dịch vụ  mang tên DK, phù hợp với các quy định  về quyền và nghĩa vụ của quốc gia ven biển theo Điều 60 UNCLOS 1982 quy định về các đảo nhân tạo, thiết bị và công trình trong vùng đặc quyền kinh tế và Điều 80 quy định về các đảo nhân tạo, thiết bị và công trình ở thềm lục địa. Việt Nam có đặc quyền tiến hành xây dựng, cho phép và quy định việc xây dựng, khai thác và sử dụng đảo nhân tạo, các thiết bị và công trình dùng vào mục đích được trù định ở Điều 56 của UNCLOS 1982 hoặc các mục đích kinh tế khác trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa.

Theo điều 279, 280 của UNCLOS, mọi tranh chấp giữa các quốc gia thành viên về việc giải thích hay áp dụng Công ước đều được giải quyết bằng các phương pháp hòa bình trên cơ sở Hiến chương Liên Hợp quốc. 

Về phía Việt Nam, trong bối cảnh khu vực và quốc tế rất nhạy cảm và phức tạp hiện nay, trước những hành vi vi phạm nói trên, chủ trương nhất quán của Việt Nam là: Kiên quyết, kiên trì đấu tranh bằng các biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế, Công ước của Liên Hợp quốc về Luật Biển 1982 trước bất cứ hành vi nào xâm phạm chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam trên các vùng biển được xác định phù hợp với Công ước của Liên Hợp quốc về Luật Biển 1982. Việt Nam hết sức coi trọng hòa bình, hữu nghị, hợp tác, thiện chí và sẵn sàng giải quyết các tranh chấp, bất đồng bằng các biện pháp hòa bình.

Đây là chủ trương mang tính nguyên tắc, nhưng khi vận dụng trong thực tế, các lực lượng có liên quan còn xuất phát từ những diễn biến cụ thể về mức độ, phạm vi, tính chất của các vi phạm, tranh chấp… để có phương thức ứng xử thích hợp, hiệu quả.

Trên cơ sở đó, Việt Nam đã triển khai đồng bộ các biện pháp hòa bình để giải quyết vấn đề, đấu tranh yêu cầu  phía Trung Quốc tôn trọng vùng biển Việt Nam, các quyền và lợi ích hợp pháp của Việt Nam trên vùng biển của mình, không có hành động làm phức tạp tình hình.

Các lực lượng chức năng trên biển của Việt Nam đã và đang thực thi chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán một cách hòa bình, đúng pháp luật trên vùng biển Việt Nam.      

Phát triển kinh tế biển gắn với phát triển xã hội, bảo vệ tài nguyên, môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo đảm quốc phòng, an ninh, hợp tác quốc tế về biển cũng là một nội dung quan trọng. Căn cứ các quy định của Công ước, Việt Nam đã và đang tiến hành có hiệu quả và triển khai các hoạt động kinh tế biển trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa 200 hải lý, phục vụ phát triển đất nước. Việt Nam cũng chủ động thúc đẩy hợp tác cùng các bên liên quan trong việc bảo vệ môi trường biển, cứu hộ cứu nạn trên biển, phòng chống thiên tai và triển khai các biện pháp ngăn chặn tội phạm trên biển, góp phần thực hiện đầy đủ các quy định của Công ước. Ngày 22/10/2018, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII đã ban hành Nghị quyết số 36-NQ/TW về chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, thể hiện quyết tâm rất lớn trong việc phát triển bền vững kinh tế biển, đưa Việt Nam mạnh về biển.

          PV

Tin khác

Ông Dương Văn An giữ chức Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc

Ông Dương Văn An giữ chức Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc

(CLO) Bộ Chính trị quyết định điều động, phân công, chỉ định ông Dương Văn An, Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận tham gia Ban Chấp hành Đảng bộ, Ban Thường vụ Tỉnh ủy và giữ chức vụ Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc, nhiệm kỳ 2020-2025.

Tin tức
'Vinh quang Điện Biên Phủ' - lời nhắc nhở lương tri của nhân loại về hòa bình, độc lập, tự do

"Vinh quang Điện Biên Phủ" - lời nhắc nhở lương tri của nhân loại về hòa bình, độc lập, tự do

(CLO) Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh, "Vinh quang Điện Biên Phủ" cùng hàng nghìn địa chỉ đỏ trong cả nước khẳng định giá trị lịch sử vĩ đại đối với phong trào đấu tranh giải phóng các dân tộc bị áp bức trên toàn thế giới, là lời nhắc nhở lương tri của nhân loại về hòa bình, độc lập, tự do.

Tin tức
Thủ tướng Phạm Minh Chính: Nhà ở xã hội ngoài hình thức mua thì phải có thuê và thuê mua

Thủ tướng Phạm Minh Chính: Nhà ở xã hội ngoài hình thức mua thì phải có thuê và thuê mua

(CLO) Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định, nhà ở xã hội là nhà ở bình thường như các loại nhà ở khác, nhưng điểm khác là có cơ chế, chính sách phù hợp cho người mua và người bán. Nhà ở xã hội ngoài hình thức mua thì phải có thuê và thuê mua.

Tin tức
Hà Nội tập trung cao độ để phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu đề ra

Hà Nội tập trung cao độ để phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu đề ra

(CLO) Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội vừa ban hành Công văn số 1021-CV/TU về việc lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm đến hết nhiệm kỳ Đại hội XVII Đảng bộ Thành phố.

Tin tức
Hà Nội lấy ý kiến về kiến trúc dự án khu đất vàng 61 Trần Phú

Hà Nội lấy ý kiến về kiến trúc dự án khu đất vàng 61 Trần Phú

(CLO) UBND phường Điện Biên gửi 640 phiếu lấy ý kiến đến đại diện người dân 8 tổ dân phố. Đến nay, số phiếu thu về đã gần hoàn tất.

Tin tức