Chuyện của những "Nhà báo- Chiến sĩ" nơi tuyến đầu

Nhà báo Viết Lam và những ngày tác nghiệp… “trong nước mắt”

Thứ sáu, 01/01/2021 14:10 PM - 0 Trả lời

(NB&CL) Tôi quen biết nhà báo, đại úy Nguyễn Viết Lam - Báo Biên phòng gần 10 năm nay, nhưng không mấy khi được trò chuyện. Anh bận mải công việc, liên tục với những chuyến tác nghiệp xa xôi, ở những địa bàn khó khăn, vất vả. Với tôi, anh luôn là một người làm báo bản lĩnh và đầy trách nhiệm.

Bài liên quan

Chủ động “đón” thiên tai

Nhắc về chuyện tác nghiệp trong bão lũ miền Trung, anh nói rằng, mình gần như có mặt từ rất sớm ở các “điểm nóng” của thiên tai và có thời điểm tác nghiệp “trong nước mắt”. Trong tháng 10 và đầu tháng 11/2020, địa bàn các tỉnh miền Trung liên tục phải gánh chịu nhiều đợt bão, lũ nặng nề. Cùng với các lực lượng thực hiện nhiệm vụ, nhà báo - đại úy Viết Lam đã có gần 1 tháng trời bám địa bàn, xông pha tác nghiệp để đưa thông tin đến bạn đọc cả nước. Mở đầu câu chuyện, anh Viết Lam chia sẻ rằng do tổ chức, tinh giản bộ máy nên khoảng 2 năm trở lại đây, Báo Biên phòng không còn duy trì phóng viên thường trú tại khu vực Bắc Miền Trung nữa. Tuy nhiên trước diễn biến phức tạp của thiên tai, dịch Covid-19, từ tháng 7/2020 được sự đồng ý của cấp trên, Ban Biên tập Báo Biên phòng đã điều động anh tăng cường tác nghiệp dài ngày tại địa bàn trên. Mảnh đất miền Trung bao đời là thế, hết nắng nóng là bão lũ. Đầu tháng 10, khi nghe cảnh báo có thể xuất hiện đợt áp thấp nhiệt đới gây mưa to kéo dài dẫn đến lũ lụt ở địa bàn các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế, nhà báo Nguyễn Viết Lam đã báo cáo cơ quan di chuyển vào các địa phương trên để chủ động tác nghiệp.

Bữa cơm ăn vội trong quá trình tác nghiệp tại xã Hướng Phùng, huyện Hướng Hoá, Quảng Trị.

Bữa cơm ăn vội trong quá trình tác nghiệp tại xã Hướng Phùng, huyện Hướng Hoá, Quảng Trị.

Ngày 8/10, khi anh vừa xuống xe khách ở thành phố Đông Hà, tỉnh Quảng Trị thì nhận được thông tin một số phương tiện hàng hải đang neo đậu biển Cửa Việt bị lũ cuốn đứt dây đánh chìm và mắc cạn. Trong đó, lực lượng chức năng đang tập trung, khẩn trương cứu hộ 14 thuyền viên trên tàu Vietsip 01 bị mắc cạn cách bờ biển Cửa Việt khoảng 800m trong điều kiện mưa to, gió lớn. Ngay lập tức, anh đã di chuyển đến địa điểm trên và có 4 ngày liền bám địa bàn thông tin về công tác cứu hộ nạn nhân.

Khu vực lực lượng cứu hộ triển khai các biện pháp tiếp cận phương tiện và bị nạn nằm sát bờ biển nên mưa, gió rất lớn, đặc biệt là cát. Cái đáng sợ nhất là cát, cát bay vào máy tính, máy ảnh và mắt người. Ở đây, chỉ có duy nhất một nhà bạt của Ban chỉ huy tìm kiếm cứu nạn hội ý công việc, cũng là nơi để anh em báo chí có thể mở máy tính viết tin, bài truyền về tòa soạn. Thỉnh thoảng anh em phóng viên vẫn phải rời hiện trường tìm nơi có nước sạch để úp mặt vào đó cho cát trong mắt trôi ra. Những ngày này, phóng viên cũng như người dân luôn theo sát từng hành động của lực lượng thực hiện nhiệm vụ, lo lắng về tính mạng của những thuyền viên trên tàu bị nạn như người thân của mình” - anh Lam chia sẻ.

Sau 4 ngày, phương châm 4 tại chỗ không phát huy hiệu quả và khi thời tiết cho phép, Bộ Quốc phòng đã điều động máy bay trực thăng và đặc công nước nhanh chóng tổ chức cứu hộ thành công tất cả các thuyền viên trên tàu Vietsip 01. Thời điểm này, nhà báo Nguyễn Viết Lam đã trở lại thành phố Đông Hà, trước diễn biến mưa lũ phức tạp ở tỉnh Thừa Thiên Huế, anh tiếp tục báo cáo cơ quan để di chuyển địa bàn tác nghiệp. Anh là một trong những phóng viên đầu tiên có mặt tại xã Phong Xuân, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế và nắm được thông tin 13 cán bộ, chiến sĩ quân đội, chính quyền địa phương hy sinh trong quá trình thực hiện nhiệm vụ cứu dân. “Tiếp nhận thông tin từ đồng đội, chúng tôi bàng hoàng xót xa, không muốn tin đó là sự thật. Trong trường hợp này, dù nhận thông tin và có mặt tại hiện trường rất sớm nhưng là phóng viên trong quân đội, chúng tôi hiểu, tìm cách đưa thông tin làm sao để phù hợp nhất” - nhà báo Viết Lam nhớ lại.

Sau những ngày ở Rào Trăng 3, anh trở ra Quảng Trị khi đợt lũ thứ 2 lên cao gây nguy hiểm ở nhiều khu vực như huyện Hải Lăng, Gio Linh, thành phố Đông Hà…, ngày đêm bám ca nô của lực lượng cứu hộ để có những phản ánh chân thực, sinh động nhất. “Đêm 17/10, tôi theo ca nô của lực lượng cứu hộ tác nghiệp hơn 23 giờ đêm mới về Bộ chỉ huy BĐBP Quảng Trị, quần áo ướt sũng, chân lạnh không tài nào ngủ được. Đến khoảng 3 giờ sáng, ngày 18/10, nghe chuông báo động toàn đơn vị, tôi nói với một đồng đội nằm cạnh rằng chắc có việc gì nguy cấp rồi. Tôi cũng xin tham dự để nắm thông tin và không tin nổi vào tai mình khi nghe vụ sạt lở đất khiến 22 cán bộ, chiến sĩ Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 337 Quân khu 4 bị vùi lấp. Cũng như những đồng đội ở BĐBP Quảng Trị, tôi nhanh chóng chuẩn bị hành trang lên đường tiếp cận hiện trường” - nhà báo Viết Lam nhớ lại.

Anh nói rằng, để tiếp cận được Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 337 vào thời điểm đó, lực lượng chức năng cũng như anh em phóng viên báo chí phải vượt qua rất nhiều điểm sạt lở nguy hiểm như những quả bom bùn treo trên đầu. Thực tế trong quá trình tiếp cận hiện trường đã xảy ra một vụ sạt lở đất nhưng may mắn một số đồng nghiệp đã chạy thoát. Rời Quảng Trị, nhà báo Viết Lam di chuyển ra địa bàn Quảng Bình phản ánh tình hình lũ lụt, rồi tiếp tục được toà soạn điều động vào Đà Nẵng phản ánh công tác phòng, chống bão số 9, rồi lên Trà Leng, huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam để tác nghiệp về công tác cứu hộ, cứu nạn tại đây… Phải tới những ngày đầu tháng 11 anh mới được rút ra khỏi địa bàn bão, lũ.       

Chặng đường đi đến các khu vực sạt lở rất khó khăn.

Chặng đường đi đến các khu vực sạt lở rất khó khăn.

Chỉ mong hai chữ bình an, anh nhé!

Gần 1 tháng trong bão, lũ trở về, tôi hỏi điều gì đã khiến anh có thể tác nghiệp được cả thời gian dài trong điều kiện môi trường khắc nghiệt như vậy? Cắt nghĩa điều ấy, nhà báo Viết Lam nói rằng, có lẽ là do sự rèn luyện thể thao mỗi ngày, rồi được sinh ra trong một gia đình khó khăn quen với khổ từ bé, hơn hết là bởi ý chí sắt đá của người lính đã tôi rèn qua thử thách. Chia sẻ về những kinh nghiệm bám địa bàn, làm việc trong những hoàn cảnh khó khăn, nhà báo Viết Lam cũng tâm sự rất thật rằng, trong quá trình tác nghiệp anh luôn chú ý nhất là sự an toàn nhưng không thể thiếu được sự may mắn đến khó tin mới thoát nạn trong tích tắc. Như chuyện anh thoát khỏi sạt lở, rồi việc mấy ngày liền ngồi trên xe của đồng nghiệp di chuyển đường núi vào Trà Leng không làm sao cho tới khi về tới đồng bằng thì xe mới nổ lốp…

Nhà báo đại úy Nguyễn Viết Lam bám máy xúc băng qua điểm sạt lở để tiếp cận Đoàn kinh tế quốc phòng 337.

Nhà báo đại úy Nguyễn Viết Lam bám máy xúc băng qua điểm sạt lở để tiếp cận Đoàn kinh tế quốc phòng 337.

Nhưng có những điều có lẽ cả cuộc đời anh không bao giờ quên được đó là sự hy sinh, mất mát của cán bộ, chiến sĩ và đồng bào mình. Anh bảo thực sự có những khi anh và đồng nghiệp tác nghiệp trong nước mắt. Đó là lúc chứng kiến những gia đình đau đớn khi biết tin người thân mình hy sinh, tử nạn, rồi người dân trắng tay sau lũ... “Ở hiện trường các vụ sạt lở đất thỉnh thoảng lại nghe tiếng của người chỉ huy hô lên “Các đồng chí nhẹ nhàng thôi, không chạm vào thi thể đồng đội”… Hay là khi chúng tôi đi bộ vào Trà Leng, dọc đường lại gặp bộ đội, người dân dùng võng gánh người bị thương ra cấp cứu. Tiếng kêu rên, khóc thương thảm thiết của những đứa trẻ bị thương nặng sau vụ lở đất... Chứng kiến điều đó không ai cầm được nước mắt?” - anh Lam nghẹn ngào.

Rồi anh cũng thừa nhận mình ích kỷ, khi không biết ở quê cũng có lúc gia đình lo âu, rơi nước mắt vì lo lắng cho mình… Tôi biết là lúc đó anh đang nghĩ về bố mẹ, về người vợ nhất mực thương chồng đang mang bầu những tháng cuối. Khi chúng tôi ngồi trò chuyện về chuyến tác nghiệp này cũng là lúc anh vừa đưa vợ vào bệnh viện chuẩn bị đón em bé chào đời. Thế nên, từ trong lòng mình tôi cảm phục vô cùng người phụ nữ ấy, điểm tựa tinh thần quan trọng để anh hoàn thành nhiệm vụ. Bất chợt, lại nhớ đến tin nhắn của vợ anh gửi cho anh trong ngày 20/10: “Ngày 20/10 không quà không hoa chỉ mong hai chữ bình an, anh nhé”...

Bảo Minh

Tin khác

Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức Hội nghị tập huấn Truyền thông về công tác Hội nhập, ASEAN và UNESCO

Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức Hội nghị tập huấn Truyền thông về công tác Hội nhập, ASEAN và UNESCO

(CLO) Chiều ngày 25/4, nhằm Triển khai Kế hoạch công tác năm 2024, Bộ Thông tin và Truyền thông đã tổ chức Hội nghị tập huấn Truyền thông về công tác Hội nhập, ASEAN và UNESCO năm 2024.

Nghề báo
Giải thưởng Báo chí TTXVN 2023: Ghi nhận sự cống hiến, tâm huyết với nghề

Giải thưởng Báo chí TTXVN 2023: Ghi nhận sự cống hiến, tâm huyết với nghề

(CLO) Chiều 25/4, Lễ trao Giải thưởng Báo chí Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN) năm 2023 đã diễn ra tại Trung tâm Thông tấn Quốc gia (số 5 Lý Thường Kiệt, Hoàn Kiếm, Hà Nội). 

Nghề báo
Tạp chí Thanh niên phát động cuộc thi viết “Vượt lên số phận”

Tạp chí Thanh niên phát động cuộc thi viết “Vượt lên số phận”

(CLO) Ngày 25/4, tại Hà Nội, Tạp chí Thanh niên phối hợp cùng Học viện Báo chí và Tuyên truyền, Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi Việt Nam phát động cuộc thi viết “Vượt lên số phận” lần thứ VII.

Nghề báo
Báo Quân đội nhân dân tổ chức Cuộc đua xe đạp “Về Điện Biên Phủ  2024”

Báo Quân đội nhân dân tổ chức Cuộc đua xe đạp “Về Điện Biên Phủ 2024”

(CLO) Cuộc đua xe đạp lần thứ 5 “Về Điện Biên Phủ năm 2024 - Cúp Báo Quân đội nhân dân” sẽ diễn ra từ ngày 1 đến 5/5 trên tổng lộ trình 525 km từ Thủ đô Hà Nội tới thành phố Điện Biên Phủ.

Nghề báo
Báo Nhà báo & Công luận trao học bổng cho sinh viên: Tạo động lực, tiếp lửa ước mơ…

Báo Nhà báo & Công luận trao học bổng cho sinh viên: Tạo động lực, tiếp lửa ước mơ…

(CLO) Ngày 25/4/2024, Đoàn công tác Báo Nhà báo & Công luận do nhà báo Lê Trần Nguyên Huy - Ủy viên Ban Chấp hành Hội Nhà báo Việt Nam, Q. Tổng biên tập báo Nhà báo & Công luận làm trưởng đoàn đã đến thăm và trao học bổng cho sinh viên có thành tích học tập cao, sinh viên nghèo vượt khó tại Viện Đào tạo Báo chí và truyền thông, Trường Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn; Khoa Viết Văn – Báo chí, Đại học Văn hóa và Học viện báo chí và Tuyên truyền.

Nghề báo