Chuyện của những "Nhà báo- Chiến sĩ" nơi tuyến đầu

Thanh Hà và những ngày “thử lửa”

Thứ bảy, 02/01/2021 09:05 AM - 0 Trả lời

(NB&CL) Với Phan Thanh Hà - nữ phóng viên trẻ tại Phòng biên tập Báo QĐND Điện tử - chuyến đi tác nghiệp 10 ngày đáng nhớ tại “rốn lũ” miền Trung là những ngày “thử lửa” bản lĩnh người làm báo, cũng là dịp để nữ quân nhân phát huy tinh thần nhà báo chiến sĩ của tờ báo 2 lần anh hùng.

Bài liên quan

Ứng biến linh hoạt trong guồng quay công việc

Phải đến khi được trò chuyện với Thanh Hà, tôi mới cảm nhận được hết những vất vả mà nữ nhà báo và đồng nghiệp đã phải trải qua trong những ngày tác nghiệp vùng “rốn lũ”, truyền tải thông tin trực tiếp từ hiện trường các vụ sạt lở ở Tiểu khu 67, Rào Trăng 3, lễ tang các cán bộ chiến sĩ và vụ sạt lở ở Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 337...

Thực ra ban đầu, ê-kíp của Thanh Hà được giao nhiệm vụ đi đưa tin về tình hình bão lụt miền Trung nhưng trên đường đi thì nhận được thông tin xảy ra sạt lở tại Tiểu khu 67 nên nhiệm vụ thay đổi đột xuất. Nhóm phóng viên tiến thẳng vào Phong Điền, Thừa Thiên Huế cùng đồng hành đi tìm đồng đội.

Nữ nhà báo Phan Thanh Hà phỏng vấn tại hiện trường.

Nữ nhà báo Phan Thanh Hà phỏng vấn tại hiện trường.

Đến bây giờ tôi vẫn không quên được gương mặt nghiêm nghị của lãnh đạo Quân Khu 4 khi trao đổi với nhóm tác nghiệp: Từ giờ phút này, chặng đường này trở đi vào đến hiện trường sẽ vô cùng khó khăn gian khổ... Nên nếu các đồng chí mà cảm giác tay lái yếu, không đi được thì lập tức đoàn phải quay lại, không tiếp tục, không được cố.

Nhưng với kinh nghiệm dày dạn trên những chuyến đường trường nhiều năm công tác, sự cố gắng của đồng chí lái xe và khí thế của những nhà báo chiến sĩ quyết tâm vượt thử thách, chúng tôi đã an toàn vào đến hiện trường, nắm bắt thông tin một cách nhanh nhất có thể. Thời điểm này, chúng tôi là nhóm được tác nghiệp tại hiện trường và được Sở chỉ huy tiền phương Quân khu 4 giao trách nhiệm làm đầu mối phối hợp, cung cấp thông tin cho các cơ quan báo chí khác nên trách nhiệm của chúng tôi lại lớn hơn một chút” – Thanh Hà kể lại.

10 ngày tác nghiệp ấy là 10 ngày nữ nhà báo và đồng nghiệp làm việc với áp lực liên tục từ 5h sáng hôm nay đến 3h sáng hôm sau, nửa ngày tác nghiệp trong hiện trường, nửa ngày phải quay ra Sở chỉ huy để xử lý tin bài gửi về tòa soạn và dự họp khẩn. Thanh Hà kể lại: “Chúng tôi cứ đi đi về về trên những đoạn đường xảy ra sạt lở, chỉ cố gắng tập trung hết sức để hoàn thành nhiệm vụ tốt nhất có thể. Nhóm tác nghiệp ít người, có nửa ngày hoàn thiện tin bài trong khi nhiệm vụ phải đảm bảo tin, bài báo in, báo điện tử, các tin, phóng sự truyền hình, phát thanh và cả những ghi nhanh, clip ngắn phù hợp tuyên truyền trên các nền tảng số, mạng xã hội của báo. Thậm chí, ê-kip còn quên ăn, quên ngủ, lên xe để di chuyển cũng không kịp nghỉ ngơi mà ngồi gõ bài luôn. Sau vài ngày, thấy rằng công việc rất nhiều, chúng tôi chủ động báo cáo lãnh đạo, xin “chi viện” thêm phóng viên vào hỗ trợ. Các biên tập viên trực ở tòa soạn Hà Nội cũng thức khuya, dậy sớm để kịp thời xử lý thông tin chúng tôi gửi về. Có những lúc di chuyển liên tục không kịp ngồi một chỗ gõ bài, chúng tôi đành vừa đi vừa đọc rồi gửi file ghi âm về để người trực ở tòa soạn bóc băng, dựng bài luôn. Đó là những ngày chúng tôi chạy đua với thời gian, chạy đua với thông tin liên tục thay đổi theo từng phút, từng giờ không khác gì thời chiến”. 

Nữ nhà báo trẻ cùng đồng nghiệp và các chiến sĩ trên hành trình đi đến điểm sạt lở.

Nữ nhà báo trẻ cùng đồng nghiệp và các chiến sĩ trên hành trình đi đến điểm sạt lở.

Bình thường khi tác nghiệp 1 sự kiện, ê-kíp phóng viên chuyên nghiệp của Báo Quân đội nhân dân sẽ gồm 1 biên tập, 1 quay phim để thực hiện tin, phóng sự truyền hình, phát thanh, 1 hoặc 2 phóng viên thực hiện tin, bài cho báo điện tử, báo giấy, sự kiện nào đặc biệt sẽ có thêm phóng viên ảnh thực hiện các phóng sự ảnh. Nhiệm vụ thường nhật của Thanh Hà tại tòa soạn là phát thanh viên, biên tập tin, bài cộng tác viên gửi về tòa soạn, xây dựng các kịch bản phóng sự, kịch bản những chương trình trực tiếp trong trường quay và có nhiều thời gian chuẩn bị kỹ lưỡng. Nhưng tại hiện trường sạt lở, Thanh Hà theo sát lực lượng chức năng, đứng giữa bùn đất mềm lỏng, tiềm ẩn nhiều nguy cơ sụt lún để dẫn hiện trường. Có những thông tin mà chỉ ra đến hiện trường mới được biết và phải tổng hợp, chuẩn bị nội dung dẫn, phỏng vấn, viết trong thời gian khẩn trương nhất có thể và vẫn phải bảo đảm chính xác.

Nhóm phóng viên của Báo Quân đội nhân dân đã phải thay đổi “chiến thuật”, mỗi người làm việc bằng 2, bằng 3, tách nhau ra thu thập, phỏng vấn nhiều nhất, nhanh nhất có thể, phát huy cao nhất phương châm “phóng viên 3 trong 1”. Thậm chí Thanh Hà phải tự chụp, quay hình, đọc lời bình, dựng phim bằng smartphone của mình. Đây là những thử thách mới mà lần đầu nữ phát thanh viên, MC Thanh Hà trải nghiệm. Trong ngày tổ chức trọng thể tang lễ 13 cán bộ, chiến sĩ hy sinh trong quá trình làm nhiệm vụ tại tỉnh Thừa Thiên - Huế, Thanh Hà cũng nhận nhiệm vụ mới đó là thực hiện quay, phát trực tiếp toàn bộ Lễ viếng, Lễ truy điệu lên fanpage Báo QĐND Điện tử trong điều kiện thiếu trang thiết bị cần thiết để tác nghiệp.

Tuy nhiên với khả năng ứng biến nhanh nhẹn, Thanh Hà đã kịp thời cung cấp cho độc giả những hình ảnh xúc động để người dân cả nước cùng chia sẻ nỗi mất mát lớn lao này. Cũng từ đó, khi tác nghiệp ở Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 337, nhóm phóng viên đã có kinh nghiệm hơn, chủ động tác nghiệp bằng điện thoại, đẩy nhanh tiến độ và số lượng tin, bài.

Thanh Hà phỏng vấn tại hiện trường.

Thanh Hà phỏng vấn tại hiện trường.

Kìm nén cảm xúc trước những nỗi đau

Với Thanh Hà, tác nghiệp trong những khó khăn về điều kiện thời tiết mưa, nắng thất thường, sức khỏe, thiếu trang thiết bị, quân tư trang, nhiệm vụ thường xuyên thay đổi đột xuất trong khi khối lượng tin, bài cần thực hiện rất lớn… chưa là gì so với việc phải kiềm chế cảm xúc khi lần đầu tiên nhìn thấy thi thể các nạn nhân trong khi làm nhiệm vụ. Là một quân nhân, cũng như bao cán bộ, chiến sĩ và những vị tướng lĩnh đang tham gia tìm kiếm đồng đội, Thanh Hà phải gồng mình tiết chế cảm xúc, cố gắng tập trung cao độ để dẫn hiện trường. Dù đã rất cố gắng và nhiều lần phải dẫn đi dẫn lại 1 đúp hình chỉ khoảng 100 chữ nhưng giọng cô vẫn run lên và lạc đi khi đưa tin đã đưa được tất cả 13 cán bộ hy sinh khi làm nhiệm vụ ra khỏi hiện trường sau hàng chục giờ đồng hồ tìm kiếm cả ngày, cả đêm.

Nhưng cũng đã có lúc nữ nhà báo tưởng như không thể nào vượt qua vì đau xót, mà vẫn phải cầm máy quay, cầm mic đi phỏng vấn... Thanh Hà thành thật rằng: “Khi ở hiện trường tìm kiếm, quay cuồng với núi công việc không có nổi thời gian để bộc lộ cảm xúc. Những lúc đau xót nhất, tôi đã phải cố gắng gồng mình kìm nén. Thậm chí, khi đi phỏng vấn thân nhân gia đình liệt sỹ, cũng tự dặn mình phải bản lĩnh, bởi lúc đó mình không chỉ là một người đi lấy thông tin mà trước mặt mình là cha, là mẹ, là vợ của những người đồng đội, đồng bào... Mình cũng phải là chỗ dựa tinh thần của họ. Sau này về đến Hà Nội, xem lại phóng sự, tôi mới vỡ òa, khóc rất nhiều, khóc cho bao nhiêu ngày tác nghiệp phải kìm nén”.

Thanh Hà và các đồng nghiệp không ngại lội bùn đất để ghi lại những hình ảnh chân thực nhất tại nơi sạt lở đất.

Thanh Hà và các đồng nghiệp không ngại lội bùn đất để ghi lại những hình ảnh chân thực nhất tại nơi sạt lở đất.

Trong cuộc trò chuyện, nữ nhà báo Thanh Hà nói rất nhiều về đồng đội của  mình. Thanh Hà bảo rằng, dù phóng viên khó khăn là vậy nhưng cũng không thấm vào đâu so với nỗi vất vả của các thủ trưởng, những người chiến sĩ đi tìm đồng đội. “Tôi không thể nào quên những giọt nước mắt của Tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, sự xót xa, làm việc liên tục đến hao mòn của Tư lệnh Quân khu 4 cùng nhiều vị lãnh đạo khác khi một lúc mất đi 35 cán bộ, chiến sĩ... Không thể quên hình ảnh các Thủ trưởng làm việc, họp bàn trong ngôi nhà sàn gỗ nằm nép bên vách núi trên con đường độc đạo tiến vào Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 337. Không thể nào quên được những ngày cả đoàn công tác đi đi về các địa bàn, đến từng gia đình là thân nhân của cấp dưới, của đồng đội trong đêm mưa gió, lụt lội để thắp hương, động viên, chia sẻ những người ở lại trong khi cả núi công việc thường ngày, đột xuất vẫn đang chờ. Rồi ám ảnh mãi hình ảnh các đồng đội đưa được liệt sỹ về tới nhà thì nhà ngập lụt không thể vào được nữa. Thương xót lắm, lúc đó, tôi chỉ muốn có thể ngồi viết một mạch “lũ ơi hãy để các anh an nghỉ...” – Thanh Hà nghẹn ngào nhớ lại.

Hà Vân

Tin khác

Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức chương trình “Đất nước trọn niềm vui”

Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức chương trình “Đất nước trọn niềm vui”

(CLO) Nhân dịp kỷ niệm 49 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2024), Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp với một số đơn vị liên quan tổ chức chương trình “Đất nước trọn niềm vui”.

Nghề báo
Phát động cuộc thi bút ký, phóng sự viết về công đoàn, công nhân và người lao động Hà Tĩnh

Phát động cuộc thi bút ký, phóng sự viết về công đoàn, công nhân và người lao động Hà Tĩnh

(CLO) Sáng 24/4, tại UBND tỉnh Hà Tĩnh, Báo Lao Động phối hợp Liên đoàn Lao động tỉnh Hà Tĩnh tổ chức lễ phát động cuộc thi bút ký, phóng sự viết về công nhân, công đoàn và người lao động tỉnh Hà Tĩnh năm 2024.

Nghề báo
Điều tra làm rõ vụ phóng viên bị hành hung khi tác nghiệp hiện trường vụ cháy ở huyện Thanh Trì

Điều tra làm rõ vụ phóng viên bị hành hung khi tác nghiệp hiện trường vụ cháy ở huyện Thanh Trì

(CLO) Mặc dù tác nghiệp tại hiện trường vụ cháy theo đúng quy định, nhưng phóng viên Thời báo VTV và VnExpress bất ngờ bị nhóm 3 đối tượng cản trở, hành hung.

Nghề báo
Đoàn công tác Hội Nhà báo Indonesia tham quan mô hình hoạt động của Báo Lao Động

Đoàn công tác Hội Nhà báo Indonesia tham quan mô hình hoạt động của Báo Lao Động

(CLO) Ngày 23/4 tại Hà Nội, Báo Lao Động đã có buổi tiếp đoàn đại biểu Hội Nhà báo Indonesia gồm 5 thành viên do ông Sihono – Giám đốc báo chí Pancasila Hội Nhà báo Indonesia, vùng Yogyakarta làm Trưởng đoàn.

Nghề báo
65 tác phẩm vào vòng chung khảo Giải Báo chí tỉnh Lạng Sơn năm 2024

65 tác phẩm vào vòng chung khảo Giải Báo chí tỉnh Lạng Sơn năm 2024

(CLO) Trên cơ sở kết quả chấm của Ban sơ khảo và tờ trình của Hội Nhà báo tỉnh, ngày 23/4, Hội đồng Giải Báo chí tỉnh Lạng Sơn lần thứ IV năm 2024 đã công nhận kết quả chấm của Ban giám khảo vòng sơ khảo đối với các tác phẩm, đồng ý đưa 65 tác phẩm có kết quả tốt vào chấm vòng chung khảo.

Nghề báo