Thực thi chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa, Trường Sa:

Tấm bản đồ cổ của nhà địa lý học kiệt xuất

Thứ năm, 28/11/2019 11:45 AM - 0 Trả lời

(NB&CL)Cách đây gần 5 năm, năm 2014, Bộ TT&TT đã tổ chức lễ tiếp nhận và công bố bộ Atlas bản đồ thế giới của nhà địa lý học Philippe Vandermaelen (1795-1869). Trong bộ Atlas này, có một số tư liệu bản đồ có giá trị quan trọng góp phần khẳng định chủ quyền của VN đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa.

Bài liên quan

Từ bộ Atlas đồ sộ gần 200 năm trước

Bộ Atlas “Atlas universal de géographie physique, politique statistique et minéralogique” của nhà địa lý học kiệt xuất người Bỉ Philipe Vandemaelen được xuất bản năm 1827 tại Nhà xuất bản Bruxelles, Vương quốc Bỉ. Đã gần 200 năm nay, bộ Atlas đã trở nên hết sức nổi tiếng, được khai thác sử dụng ở nhiều nước trên thế giới. Bộ Atlas này gồm 6 tập với 7 bản đồ chung của 5 châu lục, 381 bản đồ chi tiết, 40 trang bảng thống kê và nhiều thông tin giá trị về địa lý tự nhiên, chính trị, khoáng sản.

tam ban do co cua nha dia ly hoc kiet xuat hinh 1

GS.TS Nguyễn Quang Ngọc giới thiệu về tấm bản đồ.

Theo nhiều tài liệu, Philippe Vandermaelen vẽ bộ bản đồ này dựa theo những tấm bản đồ tốt nhất thế giới lúc đó, cùng những thông tin từ quan sát thiên văn hay những chuyến du hành ở nhiều nơi trên trái đất và được vẽ thống nhất theo tỷ lệ 1/1641836, kích thước 53,5x37cm. Thêm vào đó, đây là những tấm bản đồ thế giới đầu tiên được vẽ trên cùng một tỷ lệ, có cùng kích thước, theo phương pháp hình chiếu nón và cũng là bộ bản đồ đầu tiên trên thế giới được in li-tô (kỹ thuật in tiên tiến nhất cũng mới xuất hiện trước đó vài chục năm).

Trong bộ Atlas, bản đồ các nước châu Á gồm 11 tấm, được xếp chủ yếu trong tập 2. Việt Nam hay Đế chế An Nam (Empire d’Annam) - theo cách gọi của Philipe Vandemaelen - khi đó được giới thiệu thông qua các tấm bản đồ số 97, 105, 106 và 110. Trong đó, tờ số 97 mang tên Tonquin chủ yếu về khu vực Bắc Kỳ; tờ số 110 mang tên Partie de Camboge chủ yếu về khu vực Nam Kỳ; tờ số 105 mang tên Camboge et Anam, trong đó phần phía Đông của tờ này chủ yếu là khu vực Trung Kỳ đất liền và tờ số 106 mang tên Partie de la Cochinchine là khu vực Trung Kỳ duyên hải, biển và hải đảo.

tam ban do co cua nha dia ly hoc kiet xuat hinh 2

Bìa của Cuốn Atlas Thế giới xuất bản năm 1827.

Tài liệu khoa học vô giá, có giá trị pháp lý quốc tế cao

Những năm gần đây, trên hành trình tìm kiếm những bằng chứng lịch sử và pháp lý góp phần chứng minh chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa, các nhà khoa học Việt Nam đã có cơ hội tiếp cận sâu hơn với công trình địa lý vĩ đại của Philipe Vandemaelen. Giờ đây, nhớ lại, GS-TS Nguyễn Quang Ngọc, một trong những người có công sưu tầm và đưa bộ Atlas thế giới của Philippe Vandermaelen về Việt Nam, việc được tiếp cận với bộ Atlas cũng như tấm bản đồ có vẽ vùng biển Việt Nam và quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa là một cơ may hiếm có. Theo GS-TS Nguyễn Quang Ngọc, vào khoảng năm 1993, Thạc sỹ Nguyễn Thị Hải –một học trò của ông - làm nghiên cứu sinh tiến sỹ ở Pháp. Một lần, đến thư viện quốc gia Pháp, Nguyễn Thị Hải thấy trước cổng có hiệu sách bán rất nhiều bản đồ và Atlas cổ và rất ngẫu nhiên, Hải phát hiện thấy một tờ rời vẽ vùng biển Việt Nam và quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa. Hải đã chụp lại tờ đó và gửi về cho GS.TS Nguyễn Quang Ngọc. Tiếp nhận thông tin, được sự hỗ trợ từ nhiều phía, GS.TS Nguyễn Quang Ngọc đã bước vào hành trình lần lại, từ Pháp cho tới nước Bỉ - quê hương của Philipe Vandemaelen - để nghiên cứu và đánh giá toàn bộ về tài liệu này.

Trong 4 tấm bản đồ số 97, 105, 106 và 110 giới thiệu Việt Nam, tờ bản đồ số 106 có tên gọi Partie de la Cochinchine vẽ đường biển miền Trung từ vĩ tuyến 12 đến vĩ tuyến 16. Phía ngoài khơi, PARACELS (quần đảo Hoàng Sa) được vẽ khá chi tiết và chuẩn xác trong khoảng từ vĩ độ 16 đến 17 và kinh độ 109 đến 111. Quần đảo PARACELS trong bản đồ có các đảo Pattles, Duncan ở phía Tây; Tree và Lincoln, Rocher au desus de l’eau (Bãi đá ngầm) ở phía đông và Triton ở phía nam, ngay dưới vĩ độ 16; Investigateur ở sâu phía nam khoảng vĩ độ 14,5. “Ngay bên cạnh chữ Paracels, Philipe Vandermaelen có đính vào đó một phần giới thiệu đó là đế chế An Nam với các đặc điểm về địa lý, dân số, chính trị, khoáng sản, tài nguyên… Khi đọc người ta hiểu chính xác đấy là Việt Nam ở đầu thế kỷ 19. Tấm bản đồ này chứng minh một cách tuyệt đối rằng Paracels (Hoàng Sa) thuộc khu vực Đàng trong và nằm trong lãnh thổ của đế chế An Nam”- GS.TS Nguyễn Quang Ngọc nhận định. GS Ngọc còn chỉ ra cùng trong bộ Atlas Thế giới, nhà địa lý học Philippe Vandermaelen cũng thể hiện rõ ràng đường biên giới của Trung Quốc. Cụ thể, tấm số 97 vẽ đường biên giới của Việt Nam với Trung Quốc và điểm cực nam của Trung Quốc kết thúc ở vĩ độ 22. Còn đường biên giới biển của Trung Quốc chỉ đến phía trên vĩ tuyến thứ 18. “Partie de la Cochinchine là bản đồ có tính chuẩn xác cao lại được chính thức xuất bản sớm (từ đầu thế kỷ XIX), không chỉ khẳng định một cách mạnh mẽ, tuyệt đối chính xác chủ quyền của Việt Nam ở Paracels (Hoàng Sa), mà còn có đủ cơ sở vững chắc để bác bỏ một cách triệt để lối giải thích mập mờ, tùy tiện, mà thực chất là lợi dụng xuyên tạc của một số học giả Trung Quốc rằng Paracels hay Hoàng Sa, Trường Sa chỉ là các đảo ven bờ (như Cù Lao Chàm, Cù Lao Ré...), còn Tây Sa, Nam Sa của Trung Quốc mới là các đảo ở giữa biển, không có liên quan gì đến Paracels hay Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam từ giữa thế kỷ XIX trở về trước” - GS.TS Nguyễn Quang Ngọc  khẳng định.

Bộ Atlas Thế giới của Philippe Vandermaelen xét trên mọi khía cạnh đều có thể coi là tài liệu vô giá, là bằng chứng hùng hồn, đích thực, hiệu quả và có giá trị pháp lý quốc tế cao cho công cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc Việt Nam.

Bắt đầu từ thế kỷ XVI đã có một số bản đồ phương Tây vẽ về khu vực Đông Ấn có đánh dấu địa danh Paracels (Hoàng Sa) ở giữa Biển Đông và khu vực bờ biển phía tây Paracels (bờ biển miền Trung Việt Nam) được đánh dấu là Costa de Paracels (bờ biển Hoàng Sa). Bước sang thế kỷ XVII và nhất là thế kỷ XVIII, nhiều bản đồ đã thể hiện rõ ràng hơn vị trí, đặc điểm địa lý và mối quan hệ chủ quyền của Paracels với khu vực Đàng Trong, tuy vậy hầu hết các bản đồ này vẫn xếp Paracels vào chung khu vực Đông Ấn.

Phải đến đầu thế kỷ XIX, khi Vương triều Nguyễn được thành lập với sự khẳng định chủ quyền của Việt Nam một cách đầy đủ, thật sự theo đúng nguyên tắc thụ đắc lãnh thổ được phương Tây thừa nhận và ca ngợi, bản đồ phương Tây mới chính thức xác nhận quần đảo Paracels nằm trong phạm vi lãnh thổ Việt Nam và thuộc về nước Việt Nam. Partie de la Cochinchine là bản đồ đầu tiên đã vẽ một cách tuyệt đối chính xác vị trí (kinh độ, vĩ độ), đặc điểm địa lý, tên gọi phương Tây của các đảo lớn nhất và quan trọng nhất trong quần đảo Hoàng Sa. Bản đồ đặt trong khu vực Cochinchine là một bộ phận hữu cơ không thể tách rời của Đế chế An Nam, minh chứng một cách rõ ràng và chuẩn xác chủ quyền của Việt Nam ở Paracels đã được quốc tế ghi nhận.

PV

Tin khác

Kiểm soát việc tận thu khoáng sản từ nạo vét, duy tu luồng hàng hải, đường thủy nội địa

Kiểm soát việc tận thu khoáng sản từ nạo vét, duy tu luồng hàng hải, đường thủy nội địa

(CLO) Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh cần thiết phải quy định rõ ràng, minh bạch và kiểm soát việc tận thu các sản phẩm (cát, sỏi, khoáng sản…) từ hoạt động nạo vét để đảm bảo hiệu quả chung, tránh việc lạm dụng chính sách gây ảnh hưởng tiêu cực đến an ninh, an toàn, môi trường, cảnh quan.

Tin tức
Việt Nam và các nhà tài trợ hài hoà hoá thủ tục để rút ngắn thời gian triển khai dự án ODA

Việt Nam và các nhà tài trợ hài hoà hoá thủ tục để rút ngắn thời gian triển khai dự án ODA

(CLO) Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang mong muốn Việt Nam và các nhà tài trợ vốn ODA và vốn vay ưu đãi cần phối hợp chặt chẽ để chia sẻ, thấu hiểu và cùng nỗ lực hài hoà hoá thủ tục để hai bên cùng thắng khi rút ngắn được thời gian chuẩn bị và triển khai các dự án.

Tin tức
Tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh Ninh Bình quý I năm 2024 tăng 8,02%

Tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh Ninh Bình quý I năm 2024 tăng 8,02%

(CLO) Thường trực Tỉnh ủy Ninh Bình vừa tổ chức hội nghị giao ban công tác quý I, triển khai nhiệm vụ trọng tâm quý II/2024. Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Đoàn Minh Huấn chủ trì hội nghị.

Tin tức
Hà Nam mong muốn Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản xúc tiến, thu hút nhiều nhà đầu tư lớn vào tỉnh

Hà Nam mong muốn Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản xúc tiến, thu hút nhiều nhà đầu tư lớn vào tỉnh

(CLO) Tiếp tục chương trình xúc tiến đầu tư tại Nhật Bản, ngày 27/3, đoàn công tác của tỉnh Hà Nam do Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh Lê Thị Thủy làm trưởng đoàn đã đến thăm và làm việc với Đại sứ quán Nước Cộng hòa XHCN Việt Nam tại Nhật Bản.

Tin tức
Bắc Ninh: Đồng bào công giáo phát huy truyền thống đoàn kết, xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp

Bắc Ninh: Đồng bào công giáo phát huy truyền thống đoàn kết, xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp

(CLO) Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Thị Thu Hà đánh giá cao sự đóng góp của các giám mục, linh mục, tu sĩ, đồng bào Công giáo trong Giáo phận Bắc Ninh vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, đất nước.

Tin tức