Tác nghiệp tại "điểm nóng" phòng chống dịch Covid-19:

Bài cuối: “Những ngày không quên” cùng ngành Giáo dục

Thứ sáu, 08/05/2020 07:41 AM - 0 Trả lời

(CLO) Ngay từ thời điểm xảy ra dịch Covid-19, Nguyễn Kim Hải – phóng viên, biên tập viên theo dõi lĩnh vực giáo dục của Ban Thời sự, Đài Truyền hình Việt Nam luôn theo dõi rất sát sao hoạt động phòng chống dịch của toàn ngành. Ngay cả thời điểm “hậu dịch”, công việc của người làm báo vẫn không ngừng nghỉ.

Bài liên quan

Được tiếp thêm động lực, niềm tin để lan tỏa những điều tích cực

Ngành giáo dục là một trong những ngành chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19 ngay từ những ngày đầu tiên. Để đảm bảo an toàn phòng dịch, các trường học đã sớm tạm dừng hoạt động theo chỉ đạo của Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch.

Với phóng viên Kim Hải – Ban Thời sự Đài truyền hình Việt Nam, người đã có 15 năm theo dõi lĩnh vực giáo dục, đồng thời là gương mặt biên tập viên (BTV) bình luận quen thuộc trong các chương trình chính luận của Ban Thời sự, đây thực sự là quãng thời gian “chưa từng trải qua” trong nghề. Trường học đóng cửa giữa năm học, hơn 24 triệu giáo viên, học sinh, sinh viên phải nghỉ ở nhà. Trong bối cảnh đó, phản ánh kịp thời những tác động của dịch bệnh tới các nhà trường, giáo viên, học sinh và phụ huynh học sinh; đồng thời theo dõi sát tình hình tổ chức dạy và học là những nội dung quan trọng mà phóng viên Kim Hải xác định cần đeo bám.

Phóng viên, BTV Kim Hải trong chương trình Sự kiện và bình luận

Phóng viên, BTV Kim Hải trong chương trình Sự kiện và bình luận

Chị Kim Hải chia sẻ: “Ngoại trừ thời chiến, còn chưa bao giờ học sinh Việt Nam phải nghỉ học bất thường dài ngày như quãng thời gian vừa qua. Nước ta lâu nay cũng chỉ quen với hình thức dạy học trực tiếp trên lớp. Dạy học trực tuyến là phương thức còn mới mẻ với các thầy cô. Vì vậy, trong 1 tháng đầu, nhiều trường còn khá lúng túng trong việc triển khai hình thức dạy học này. Nắm bắt tình hình, chúng tôi đã sớm phản ánh những mô hình dạy học trực tuyến hiệu quả và thực chất với mong muốn tạo hiệu ứng lan tỏa trong xã hội. Một trong những mô hình mà tôi ấn tượng là trường THCS & THPT Nguyễn Tất Thành, thuộc Trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Cả ngôi trường không có bóng học sinh. Nhưng giáo viên vẫn say sưa giảng bài trong mỗi lớp học… Hình ảnh đặc biệt này khắc sâu vào tâm trí tôi. Trường này đã duy trì thời khóa biểu dạy học ngay từ những thời điểm đầu tiên nghỉ học do dịch.”

Đó là thời điểm tháng 3. Việc dạy trực tuyến chủ yếu diễn ra ở một số trường tư thục ở thành phố lớn. Còn ở hệ thống các trường công lập, giáo viên chủ yếu chỉ giao phiếu bài tập cho học sinh qua điện thoại, email. Thế nhưng trường Nguyễn Tất Thành vẫn duy trì dạy học theo thời khóa biểu cho học sinh. Các hoạt động đều diễn ra thông qua phương thức trực tuyến. Đặc biệt, nhà trường còn tổ chức dạy cả thể dục, âm nhạc, những môn học nhiều người cho là “khó dạy trực tuyến” và cũng “không cần thiết” khi nghỉ dịch. Nhưng các giáo viên đã quyết tâm dạy cả những môn học này với mong muốn học sinh có cơ hội được học tất cả các môn mà các em yêu thích.

Chứng kiến hình ảnh các giáo viên  vượt qua khó khăn, vất vả, thử sức với một công việc mới mẻ bằng tất cả lòng yêu nghề, sự sáng tạo; phóng viên Kim Hải cho biết chị rất xúc động và mong muốn đem câu chuyện này đến với số đông khán giả. Khi phát sóng, phóng sự đã nhận được sự quan tâm, hưởng ứng của nhiều nhà trường và giáo viên, góp phần tạo niềm tin, động lực và truyền cảm hứng cho các thầy cô quyết tâm khắc phục khó khăn, thực hiện bằng được việc dạy và học trực tuyến, với tinh thần “tạm ngừng đến trường nhưng không ngừng học”. 

Những khó khăn… đong đầy cảm xúc

Bài liên quan

Một câu chuyện đáng nhớ khác đối với phóng viên Kim Hải trong những ngày cả nước chống dịch Covid -19, đó là những khó khăn mà của hệ thống giáo dục tư thục phải trải qua, đặc biệt là giáo dục mầm non. Chị cho biết, toàn quốc hiện có 15.700 nhóm lớp mầm non tư thục. Đây là những cơ sở có quy mô dưới 70 học sinh, chủ trường hầu hết là những nhà đầu tư nhỏ, năng lực tài chính không dồi dào, chủ yếu trông chờ vào nguồn học phí từ học sinh.

Nhiều cơ sở phải vay tiền ngân hàng để hoạt động. Việc không có nguồn thu học phí trong khi vẫn phải chi trả tiền thuê mặt bằng, tiền lương giáo viên, trả nợ ngân hàng đã đẩy họ vào tình cảnh cạn kiệt về tài chính. Nhiều chủ trường phải giải thể, hoặc rao bán trường. Việc hàng loạt trường đã và đang có nguy cơ giải thể đặt áp lực rất lớn cho hệ thống giáo dục mầm non khi học sinh đi học trở lại.

Trước thực tế đó, với trách nhiệm của người làm báo, phóng viên Kim Hải quyết định phản ánh về vấn đề này. Thế nhưng, khi liên hệ để ghi hình và phỏng vấn, chị gặp rất nhiều khó khăn bởi hầu hết các chủ trường đều từ chối, không muốn xuất hiện trong hoàn cảnh này, ngại ảnh hưởng đến danh tiếng và uy tín của mình. Có người đã nhận lời nhưng đến phút cuối thì… từ chối.

Chị Kim Hải tác nghiệp khi làm phóng sự về hệ thống trường mầm non mùa dịch

Chị Kim Hải tác nghiệp khi làm phóng sự về hệ thống trường mầm non mùa dịch

Quyết tâm thực hiện cho được phóng sự này, chị đã cố gắng liên hệ, thuyết phục bằng nhiều cách khác nhau. Trên facebook của mình, phóng viên Kim Hải từng viết: Vào lúc rất nản, mình đã nhắn tin cho một cô chủ trường hủy lịch phỏng vấn: “Vì ai cũng ngại nên câu chuyện này không thể đưa lên công luận. Không dám nói ra khó khăn thì sẽ không có ai giang tay ra giúp hết. Cháu thấy buồn quá. Cháu cũng cố gắng hết sức để giúp các trường nhưng lực bất tòng tâm thế này, cũng đành chịu vậy, coi như đã làm hết sức trong công tác phóng viên”.

Đáng mừng là sau những nỗ lực đó, đã có những chủ trường nhận lời chia sẻ, và nhờ đó, phóng sự “Hệ thống mầm non tư thục khốn đốn vì dịch bệnh” đã phát sóng trong bản tin Thời sự của Đài Truyền hình Việt Nam. Sau khi phát sóng, chị nhận được nhiều tin nhắn cảm ơn của các trường mầm non tư thục.

Xây dựng và phát triển được một ngôi trường là một công việc gian nan, nhiều thử thách và rất kì công. Không chỉ là cơ sở hạ tầng trường lớp, mà điều quan trọng, bạn còn phải đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên, tạo nên một cộng đồng giáo viên làm việc gắn kết vì sứ mệnh và mục tiêu chung của mỗi nhà trường. Bạn có thể mất 5, 10, 15 năm mới làm được điều đó, nhưng chỉ sau vài tháng nghỉ học do dịch, tất cả đứng trước nguy cơ sụp đổ. Không có tiền chi trả lương, phải sa thải giáo viên là điều đau lòng nhất với các chủ trường.

Nhưng ở góc độ một phóng viên, đồng thời cũng là một người mẹ, tôi nghĩ rằng, nếu trường học phải đóng cửa, giáo viên không còn ở đó, thì khi học sinh đi học trở lại, chuyện gì sẽ xảy ra? Hệ thống trường lớp thiếu hụt, cô giáo mà các em yêu thương, gắn bó đã nghỉ dạy, cả thầy và trò bắt đầu lại từ đầu, sẽ rất khó khăn” - chị Kim Hải chia sẻ.

Rất mừng là sau đó Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt, đưa ra các chính sách hỗ trợ cho các doanh nghiệp, trong đó có cả doanh nghiệp giáo dục như giảm lãi suất vay ngân hàng, giãn nợ, thuế, phí, bảo hiểm xã hội… Bộ Giáo dục và đào tạo có cơ chế mở để các trường được công nhận kết quả kiểm tra, đánh giá thông qua hình thức dạy học trực tuyến… Nhờ đó “giải cứu” cho các trường. Tuy nhiên cho đến nay, chính sách hỗ trợ cho giáo viên bị ảnh hưởng cho dịch bệnh trên toàn quốc vẫn chưa được công bố. Đây là điều trăn trở đối với những người làm báo. Phóng viên Kim Hải cho biết chị vẫn đang tiếp tục theo sát tình hình và tin rằng, Chính phủ sẽ có chính sách phù hợp đối với đội ngũ người thầy, không để họ phải chịu thiệt thòi trong hoàn cảnh dịch bệnh.

Sẵn sàng cho “ngày trở lại”

Ngay sau khi tình hình dịch Covid-19 tạm thời được kiểm soát, các địa phương lần lượt cho phép học sinh đi học trở lại, phóng viên Kim Hải tiếp tục phản ánh tình hình giáo viên và học sinh quay lại trường, vừa dạy học vừa đảm bảo an toàn phòng dịch. “Với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, của ngành y tế và giáo dục, tôi tin rằng các địa phương, các nhà trường sẽ có giải pháp phù hợp để sắp xếp hợp lý các lớp học, giờ học, hoạt động học đảm bảo an toàn tối đa cho học sinh; tổ chức một cách chủ động, linh hoạt, sáng tạo chương trình học, kế hoạch giáo dục trong nhà trường để phù hợp với tình hình dịch bệnh, giúp học sinh ôn tập kiến thức cũ, tiếp nhận kiến thức mới.”

Thời điểm hậu dịch, công việc làm báo của những phóng viên như chị Kim Hải vẫn không ngừng

Thời điểm hậu dịch, công việc làm báo của những phóng viên như chị Kim Hải vẫn không ngừng

Với trách nhiệm của người làm báo, trong 3 tháng qua, phóng viên, BTV Kim Hải cùng Ban Thời sự Đài Truyền hình Việt Nam đã sát cánh cùng cả nước, trong đó có ngành Giáo dục trong mọi hoạt động và luôn trong tâm thế sẵn sàng cho “ngày trở lại”.

Trong giai đoạn hậu dịch, việc phòng và chống dịch Covid-19 vẫn là ưu tiên hàng đầu, bên cạnh việc đảm bảo nội dung chương trình dạy học. Đặc biệt là với học sinh cuối cấp, các em chỉ còn 2 – 3 tháng nữa là bước vào những kỳ thi quan trọng như thi vào lớp 10, thi tốt nghiệp THPT, xét tuyển Đại học. Đây sẽ là những thông tin sẽ tiếp tục được cập nhật liên tục mà phóng viên Kim Hải và các đồng nghiệp thực hiện trong những ngày tới đây.

Gia Hân

Tin khác

Trường Sa: Chuyến tác nghiệp hạnh phúc!

Trường Sa: Chuyến tác nghiệp hạnh phúc!

(CLO) Tham gia Đoàn công tác số 6/2024 thăm quần đảo Trường Sa, Nhà giàn DK-I, các phóng viên báo chí đã có một tuần trải nghiệm, tác nghiệp vất vả nhưng hạnh phúc giữa trùng khơi sóng vỗ...

Nghề báo
Hơn 250 phóng viên, nhà báo tác nghiệp tại Lễ hội Đền Hùng 2024

Hơn 250 phóng viên, nhà báo tác nghiệp tại Lễ hội Đền Hùng 2024

(CLO) Theo thống kê của Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Phú Thọ, Sở này đã đón tiếp, cấp thẻ, hỗ trợ tác nghiệp cho 251 phóng viên thuộc 66 cơ quan báo chí của Trung ương và địa phương trong dịp Lễ hội Đền Hùng năm 2024.

Nghề báo
Khí phách 75 năm và lời hiệu triệu cho thế hệ làm báo thời đại mới

Khí phách 75 năm và lời hiệu triệu cho thế hệ làm báo thời đại mới

(NB&CL) Có một “điểm chạm” trong cảm xúc “về nguồn” của những người làm báo khi nhắc nhớ về một ngôi trường đặc biệt – Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng. Đó là cảm xúc tự hào về một “mốc son lịch sử” gắn liền với những chặng đường làm báo vinh quang dưới sự dẫn dắt của Chủ tịch Hồ Chí Minh - người thầy đầu tiên của báo chí cách mạng… Dù thời gian có xa xanh thì khí phách của một thời đẹp đẽ ấy sẽ mãi là những giá trị trường tồn, tiếp lửa cho thế hệ hôm nay.

Nghề báo
Hội Nhà báo Việt Nam bứt tốc trên hành trình phát triển

Hội Nhà báo Việt Nam bứt tốc trên hành trình phát triển

(NB&CL) Thành công của năm 2023 tiếp tục tạo đà cho Hội Nhà báo Việt Nam trong năm 2024 bứt tốc hơn nữa với nhiều nhiệm vụ mới. Đặc biệt, 2024 là năm thứ 3 các tổ chức Hội triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XI Hội Nhà báo Việt Nam, các Nghị quyết của Ban Chấp hành và Chương trình công tác toàn khóa nhiệm kỳ 2020 - 2025...

Nghề báo
Khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam 2024: Lan tỏa và truyền cảm hứng về tình yêu sách

Khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam 2024: Lan tỏa và truyền cảm hứng về tình yêu sách

(CLO) Tối 17/4, tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Hà Nội, Bộ Thông tin & Truyền thông phối hợp Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Uỷ ban Nhân dân thành phố Hà Nội tổ chức Lễ khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ Ba năm 2024.

Nghề báo