Kinh tế vĩ mô

Cần “nuôi dưỡng” doanh nghiệp tư nhân để trở thành “kỳ lân” trên bản đồ kinh tế thế giới

Việt Vũ 30/04/2025 14:00

(NB&CL) Trao đổi với phóng viên Báo Nhà báo và Công luận, ông Mạc Quốc Anh, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa thành phố Hà Nội khẳng định: Doanh nghiệp vừa và nhỏ là xương sống của nền kinh tế Việt Nam, nhưng vẫn đang đối mặt với nhiều thách thức.

+ Theo ông, khối doanh nghiệp vừa và nhỏ có vai trò quan trọng thế nào đối với nền kinh tế Việt Nam?

- Hiện nay, doanh nghiệp vừa và nhỏ có vai trò đặc biệt quan trọng trong nền kinh tế Việt Nam, không chỉ ở khía cạnh tạo việc làm, đóng góp vào GDP, mà còn là động lực chính cho đổi mới sáng tạo và phát triển bền vững.

Theo Cục Thống kê, Bộ Tài chính, Việt Nam có gần 1 triệu doanh nghiệp, trong đó doanh nghiệp vừa và nhỏ chiếm 97% tổng số doanh nghiệp. Số doanh nghiệp này đóng góp hơn 40 triệu việc làm, chiếm 82% tổng số lao động trong nền kinh tế. Doanh nghiệp vừa và nhỏ còn đóng góp 51% GDP và hơn 30% ngân sách nhà nước.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp vừa và nhỏ còn thúc đẩy quá trình đổi mới sáng tạo. Báo cáo của Bộ Khoa học và Công nghệ cho thấy, hơn 70% sáng kiến đổi mới tại Việt Nam xuất phát từ khu vực tư nhân, trong đó phần lớn là từ doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Chưa dừng lại tại đó, doanh nghiệp vừa và nhỏ còn là trụ cột phát triển kinh tế địa phương, giúp phân bổ nguồn lực đồng đều, phát triển kinh tế tại các vùng nông thôn và thành thị.

So với các tập đoàn lớn, doanh nghiệp vừa và nhỏ có khả năng thích nghi tốt hơn trước những biến động của thị trường. Đồng thời, nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ đóng vai trò nhà cung ứng, đối tác của các tập đoàn lớn, từ đó tạo ra chuỗi giá trị bền vững.

Ông Mạc Quốc Anh. (AnhVGP)
Ông Mạc Quốc Anh. Ảnh: VPG

+ Mặc dù có đóng góp lớn cho nền kinh tế, thế nhưng các doanh nghiệp vừa và nhỏ hiện vẫn đối mặt với nhiều rào cản kìm hãm sự phát triển. Nhiều doanh nghiệp "không muốn lớn", thậm chí muốn lớn cũng khó. Nguyên nhân vì sao, thưa ông?

- Quả thật, các doanh nghiệp tư nhân, nhất là nhóm doanh nghiệp vừa và nhỏ đối mặt với không ít thách thức, khó khăn. Tôi cho rằng có 3 lý do chính khiến doanh nghiệp vừa và nhỏ hiện nay “không muốn lớn”.

Thứ nhất đó là gánh nặng thuế và chi phí tuân thủ. Theo Báo cáo Môi trường Kinh doanh của Ngân hàng Thế giới, một doanh nghiệp nhỏ tại Việt Nam mất trung bình 384 giờ mỗi năm để tuân thủ các quy định thuế, cao hơn so với nhiều nước trong khu vực.

Thứ hai, doanh nghiệp vừa và nhỏ đang khó tiếp cận vốn. Báo cáo của Ngân hàng Nhà nước cho thấy 70% doanh nghiệp vừa và nhỏ gặp khó khăn khi vay vốn ngân hàng do thiếu tài sản thế chấp và lịch sử tín dụng minh bạch.

Thứ ba, hệ thống pháp lý phức tạp. Các quy định về đăng ký kinh doanh, thuế, lao động vẫn còn chồng chéo, khiến nhiều hộ kinh doanh không muốn chuyển đổi thành doanh nghiệp.

Bên cạnh 3 lý do chính khiến doanh nghiệp “không muốn lớn” thì vẫn còn một số nguyên nhân khác dẫn đến hiện tượng doanh nghiệp muốn lớn cũng khó. Thách thức lớn nhất đó là quá trình mở rộng quy mô.

Cụ thể, nhiều doanh nghiệp đối mặt với tình trạng thiếu lao động chất lượng cao. Theo Tổng cục Thống kê, hơn 55% doanh nghiệp vừa và nhỏ gặp khó khăn trong tuyển dụng nhân sự có chuyên môn cao. Doanh nghiệp nhỏ khó cạnh tranh với các tập đoàn lớn cả về thương hiệu, giá cả và nguồn lực.

Ngoài ra, doanh nghiệp vừa và nhỏ còn đang đối mặt với những rủi ro chính sách và môi trường kinh doanh. Biến động chính sách có thể khiến các doanh nghiệp e dè khi mở rộng quy mô.

+ Để doanh nghiệp vừa và nhỏ “vươn mình” trở thành doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp cần phải làm gì, thưa ông?

- Để phát triển bền vững và vươn tầm khu vực, doanh nghiệp vừa và nhỏ cần chủ động thay đổi chiến lược kinh doanh, tập trung vào đổi mới sáng tạo và nâng cao năng lực cạnh tranh.

Thứ nhất, doanh nghiệp vừa và nhỏ cần xây dựng chiến lược phát triển dài hạn. Trong đó, nhóm doanh nghiệp này cần tái cấu trúc mô hình kinh doanh. Doanh nghiệp cần xây dựng chiến lược phát triển theo từng giai đoạn, không chỉ dừng lại ở quy mô nhỏ lẻ.

Doanh nghiệp vừa và nhỏ có thể tập trung vào thị trường ngách. Các doanh nghiệp thành công thường bắt đầu từ những thị trường hẹp, sau đó mở rộng dần phạm vi hoạt động.

Thứ hai, doanh nghiệp vừa và nhỏ cần tăng cường năng lực đổi mới sáng tạo, đẩy mạnh chuyển đổi số. Theo khảo sát của Bộ Công thương, chỉ 15% doanh nghiệp vừa và nhỏ đã áp dụng công nghệ số, trong khi đây là yếu tố sống còn trong thời đại 4.0.

Ngoài ra, doanh nghiệp vừa và nhỏ cần ứng dụng công nghệ trong sản xuất và vận hành, như: AI, dữ liệu lớn và IoT,... Những ứng dụng này có thể giúp doanh nghiệp tối ưu hóa chi phí và nâng cao năng suất.

Thứ ba, doanh nghiệp vừa và nhỏ cần hợp tác để phát triển. Cụ thể, họ có thể tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu, kết nối với các tập đoàn lớn để học hỏi kinh nghiệm và mở rộng thị trường.

Doanh nghiệp vừa và nhỏ còn có thể tận dụng các chương trình hỗ trợ của nhà nước để tăng cường “sức khỏe” của doanh nghiệp. Hiện có nhiều quỹ hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ, dù vậy các quỹ hỗ trợ này chưa được khai thác hiệu quả.

Dây chuyền sản xuất tại nhà máy sản xuất lắp ráp ô tô, xe máy của Tập đoàn Thaco ở Khu kinh tế mở Chu Lai, tỉnh Quảng Nam. Nguồn thacochulai.vn
Dây chuyền sản xuất tại nhà máy sản xuất lắp ráp ô tô, xe máy của Tập đoàn Thaco ở Khu kinh tế mở Chu Lai, tỉnh Quảng Nam. Nguồn: thacochulai.vn

+ Trong suốt 40 năm Đổi mới vừa qua, không ít doanh nghiệp tư nhân Việt Nam có sự phát triển được coi là “thần tốc”, từ một doanh nghiệp nhỏ trở thành thương hiệu quốc dân, thậm chí còn gây tiếng vang trên thế giới. Ông ấn tượng với mô hình tăng trưởng của doanh nghiệp nào nhất, bí quyết thành công của họ là gì?

- Bên cạnh Vingroup, một doanh nghiệp tiêu biểu khác có hành trình phát triển ấn tượng từ quy mô nhỏ lên thương hiệu toàn cầu, đó là Thế giới Di động. Khởi đầu là một cửa hàng điện thoại nhỏ tại TP.HCM vào năm 2004, với chỉ vài nhân viên và số vốn ít ỏi. Tuy nhiên, sau 10 năm (năm 2014), Thế giới Di động niêm yết trên sàn chứng khoán, trở thành một trong những công ty bán lẻ lớn nhất Việt Nam.

Đến năm 2023, Thế giới Di động sở hữu gần 5.000 cửa hàng trên toàn quốc với các chuỗi như Điện Máy Xanh, Bách Hóa Xanh, mở rộng ra thị trường quốc tế như Campuchia, Indonesia.

Tôi cho rằng, bí quyết thành công của Thế giới Di động đó là chiến lược tập trung vào trải nghiệm khách hàng. Cụ thể, doanh nghiệp này đã xây dựng dịch vụ khách hàng xuất sắc, giao hàng nhanh, chính sách đổi trả linh hoạt.

Một bí quyết thành công khác, đó là việc Thế giới Di động nhanh chóng ứng dụng công nghệ trong quản lý và vận hành. Đơn cử, áp dụng trí tuệ nhân tạo (AI) và dữ liệu lớn (Big Data) để tối ưu hóa chuỗi cung ứng và dự báo nhu cầu.

Đồng thời, Thế giới Di động mở rộng hệ sinh thái bán lẻ, không chỉ kinh doanh điện thoại mà còn mở rộng sang điện máy, thực phẩm và hàng tiêu dùng.

Từ sự thành công của Thế giới Di động, tôi cho rằng các doanh nghiệp vừa và nhỏ khác tại Việt Nam phải có tầm nhìn lớn, biết tận dụng xu hướng thị trường, kiên trì mở rộng quy mô.

Đồng thời, cần tối ưu hóa vận hành bằng công nghệ, điều này giúp nâng cao hiệu quả quản lý và tối ưu chi phí. Đặc biệt, phải luôn đổi mới để đáp ứng nhu cầu khách hàng, cải tiến mô hình kinh doanh để thích nghi với thị trường.

+ Để tiếp sức cho cộng đồng doanh nghiệp vừa và nhỏ phát triển trở thành doanh nghiệp lớn, thậm chí là “sếu đầu đàn” có thể dẫn dắt nền kinh tế, theo ông chúng ta cần thêm cơ chế, chính sách gì để hỗ trợ nhóm doanh nghiệp này?

- Để tiếp sức cho nhóm doanh nghiệp vừa và nhỏ phát triển, chúng ta có nhiều việc phải làm. Tuy nhiên, để đưa ra kiến nghị tôi cho rằng cần phải làm đồng bộ 4 nhóm giải pháp chính.

Thứ nhất đó là hoàn thiện khung pháp lý và cải thiện môi trường kinh doanh. Trong đó, đơn giản hóa thủ tục hành chính, giảm bớt các điều kiện kinh doanh rườm rà rất quan trọng, điều này có giúp doanh nghiệp dễ dàng mở rộng quy mô.

Song song với đó, Việt Nam cần tạo môi trường cạnh tranh công bằng, hạn chế tình trạng doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp lớn có lợi thế quá lớn, gây khó khăn cho doanh nghiệp vừa và nhỏ. Đẩy mạnh chương trình hỗ trợ chuyển đổi từ hộ kinh doanh lên doanh nghiệp.

Nhóm giải pháp thứ hai, đó là cần hỗ trợ tài chính và tiếp cận vốn. Việt Nam cần phải thành lập Quỹ bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Theo khảo sát của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), 70% doanh nghiệp nhỏ gặp khó khăn khi tiếp cận vốn vay ngân hàng. Việc có quỹ bảo lãnh giúp giảm rủi ro cho ngân hàng, từ đó doanh nghiệp dễ tiếp cận nguồn vốn hơn.

Thứ ba, Việt Nam cần phát triển nguồn nhân lực và hỗ trợ đổi mới sáng tạo, xây dựng hệ sinh thái đào tạo cho doanh nghiệp nhỏ. Hiện nay, 55% doanh nghiệp vừa và nhỏ thiếu lao động chất lượng cao, do đó cần liên kết giữa doanh nghiệp và các trường đại học để đào tạo nhân lực phù hợp với nhu cầu thực tế.

Chúng ta cũng cần hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng công nghệ, thành lập các trung tâm chuyển giao công nghệ giúp doanh nghiệp tiếp cận công nghệ sản xuất hiện đại với chi phí hợp lý.

Thứ tư, Việt Nam cần kết nối doanh nghiệp vừa và nhỏ với thị trường quốc tế, hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

Hiện chỉ có 21% doanh nghiệp nhỏ tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu, do đó cần có chính sách khuyến khích doanh nghiệp trở thành nhà cung ứng cho các tập đoàn quốc tế.

Đẩy mạnh thương mại điện tử và xuất khẩu trực tuyến: Hỗ trợ doanh nghiệp bán hàng qua các nền tảng như Amazon, Alibaba, mở rộng thị trường xuất khẩu.

Tóm lại, doanh nghiệp vừa và nhỏ là xương sống của nền kinh tế Việt Nam, nhưng vẫn đang đối mặt với nhiều thách thức. Để thúc đẩy khu vực này phát triển, cần có sự vào cuộc mạnh mẽ từ Chính phủ với các chính sách hỗ trợ thiết thực, đồng thời bản thân doanh nghiệp cũng phải chủ động đổi mới và nâng cao năng lực cạnh tranh. Nếu làm tốt, trong tương lai, nhiều doanh nghiệp nhỏ hôm nay có thể trở thành những "kỳ lân" của Việt Nam trên bản đồ kinh tế thế giới.

+ Xin cảm ơn ông!

    Nổi bật
        Mới nhất
        Cần “nuôi dưỡng” doanh nghiệp tư nhân để trở thành “kỳ lân” trên bản đồ kinh tế thế giới
        • Mặc định

        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO