Việt Nam cần có giải pháp quyết liệt để phát huy nguồn lực của khu vực kinh tế tư nhân
(NB&CL) TS. Nguyễn Đức Kiên, nguyên Tổ trưởng Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng khẳng định: Khu vực kinh tế tư nhân ngày càng đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế, tuy nhiên, sự phát triển của khu vực kinh tế tư nhân vẫn không đạt được như chúng ta kỳ vọng và cần có những giải pháp quyết liệt để phát huy nguồn lực của khu vực kinh tế này.
+ Ông có đánh giá thế nào về vai trò và những đóng góp của khu vực kinh tế tư nhân trong giai đoạn hiện nay?
- Kể từ khi có Nghị quyết Trung ương 10, ban hành vào năm 2017, khu vực kinh tế tư nhân đã trỗi dậy mạnh mẽ, trở thành một trong những trụ cột quan trọng của nền kinh tế và dần trở thành động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế quốc gia. Theo số liệu thống kê, đến nay chúng ta có khoảng gần 1 triệu doanh nghiệp tư nhân, 5 triệu hộ kinh doanh cá thể (không tính hộ nông dân), đóng góp khoảng hơn 50% GDP, tạo ra hơn 40 triệu việc làm, chiếm khoảng 82% tổng số lao động trong nền kinh tế.
Trong giai đoạn COVID-19 và những biến động khó lường từ thế giới, kinh tế Việt Nam vẫn có sự chuyển mình mạnh mẽ, thể hiện qua cơ cấu của các thành phần kinh tế đóng góp trong tổng thu nhập nội địa (GDP). Sự thành công đó có phần góp sức không nhỏ của khu vực kinh tế tư nhân. Tuy nhiên, sự phát triển của khu này vẫn không đạt được như chúng ta kỳ vọng.

+ Vì sao lại chưa được như kỳ vọng, thưa ông?
- Ở đây, có thể nói nguyên nhân từ cả hai phía. Về phía Nhà nước, hệ thống bộ máy quản lý của các Bộ và chính quyền địa phương chưa thực sự đổi mới sang theo mô hình kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, việc quản lý của các Bộ vẫn nặng về cơ chế xin cho, can thiệp trực tiếp vào việc quản lý và huy động nguồn vốn của các doanh nghiệp.
Về chính bản thân khu vực kinh tế tư nhân, mặc dù có đóng góp lớn cho nền kinh tế, thế nhưng khu vực này đa phần hiện nay là doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ và hộ kinh doanh cá thể nên hiệu quả sản xuất kinh doanh và khả năng tham gia vào chuỗi giá trị sản phẩm là thấp, chỉ có một số ít doanh nghiệp vươn lên quy mô toàn quốc và khu vực như Vingroup, Sungroup, Hòa Phát, Thaco Trường Hải,...
Nguyên nhân các doanh nghiệp Việt Nam không phát triển lên được, “không chịu lớn” có thể chỉ ra một số điểm cơ bản: Các doanh nghiệp Việt Nam đều bắt nguồn từ quy mô doanh nghiệp gia đình nên phương thức quản trị doanh nghiệp còn lạc hậu. Khả năng huy động vốn hạn chế do chỉ dựa chủ yếu vào khoản vay tín dụng của ngân hàng mà chưa áp dụng các hình thức huy động vốn khác trên thị trường. Nhiều doanh nghiệp tư nhân không đủ kiến thức, nguồn nhân lực để nắm bắt và tiếp thu công nghệ mới. Bản chất các doanh nghiệp đều muốn kinh doanh ở hình thức phi chính thức, lo sợ việc công khai minh bạch trong lĩnh vực tài chính, trốn thuế cũng là những nguyên nhân rất quan trọng hạn chế sự phát triển của doanh nghiệp tư nhân.
Để bước vào kỷ nguyên mới, bên cạnh khu vực kinh tế nhà nước và khu vực kinh tế FDI, chúng ta cần có một số giải pháp quyết liệt, chú ý đến hiệu quả, không hình thức để phát huy nguồn lực của khu vực kinh tế tư nhân.
+ Để khu vực kinh tế tư nhân vươn mình trong kỷ nguyên mới, ông có những kiến nghị gì?
- Thứ nhất, chúng ta cần xây dựng và tổ chức thực hiện Nghị quyết. Nghị quyết của Đảng là một tổng hợp các mối quan hệ thống nhất giữa các mục tiêu về kinh tế - xã hội trong bối cảnh chính trị, đối ngoại nhất định. Nó vừa mang tính chất dự báo nhưng đồng thời cũng chỉ ra mục tiêu mà chúng ta hướng tới trong bối cảnh mới. Vì vậy, cách tổ chức triển khai thực hiện của các cơ quan Quốc hội, Chính phủ cũng phải đổi mới.
Chúng ta phải pháp điển hóa các mục tiêu của Nghị quyết đề ra thành các chỉ tiêu thực hiện hàng năm, được báo cáo định kỳ trước Quốc hội để các cơ quan của Đảng cũng như Nhân dân giám sát được việc thực hiện và đánh giá hiệu quả làm việc của các cơ quan chính quyền, tránh thành lập quá nhiều cơ quan chỉ đạo, sử dụng quá nhiều bộ máy chồng chéo nhau nhưng không có người chịu trách nhiệm cụ thể, không bố trí nguồn lực phù hợp với mục tiêu đặt ra nên không có những thay đổi về chính sách quyết liệt để thực hiện mục tiêu của Nghị quyết.
Thứ hai, chúng ta phải tiếp tục đẩy mạnh cải cách môi trường đầu tư. Cải cách môi trường đầu tư không chỉ giúp cho kinh tế tư nhân mà giúp cho toàn bộ nền kinh tế.
Do đặc thù nền kinh tế Việt Nam đi lên từ một nền kinh tế nông nghiệp, lạc hậu, bị chiến tranh tàn phá lại phải chuyển đổi mô hình từ nền kinh tế kế hoạch hóa sang nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa nên lĩnh vực, thể chế trong đầu tư là quan trọng nhất.

Để tháo gỡ được thể chế trong lĩnh vực đầu tư, tôi cho rằng cần phải chia rất cụ thể các lĩnh vực thể chế áp dụng cho tất cả doanh nghiệp, không phân biệt sở hữu như giấy phép xây dựng, bảo vệ môi trường, phòng cháy chữa cháy, cấp thoát nước,... và thể chế áp dụng riêng cho kinh tế tư nhân.
Đối với doanh nghiệp tư nhân, Nhà nước phải thực hiện đồng bộ việc chuẩn bị quỹ đất khu công nghiệp, cụm công nghiệp để có thể hỗ trợ cho doanh nghiệp thuê đất, tránh phải chi phí quá lớn vào công tác đền bù, giải phóng mặt bằng. Bởi vì theo Hiến pháp, đất đai là sở hữu toàn dân do Chính phủ là người đại diện và UBND các cấp là người quản lý. Chính phủ phải thành lập các cơ quan tư vấn về khoa học công nghệ miễn phí để giúp cho doanh nghiệp trong quá trình đầu tư chọn được công nghệ phù hợp với yêu cầu ngày càng cao của thị trường quốc tế, tránh lãng phí đầu tư, tránh việc có 2 hệ tiêu chuẩn đánh giá cùng một sản phẩm (để bán trong nước và bán ra nước ngoài).
Nhà nước phải thành lập các quỹ hỗ trợ đầu tư rủi ro cho các doanh nghiệp khởi nghiệp để đảm bảo nuôi dưỡng sự phát triển của các doanh nghiệp khởi nghiệp, các doanh nghiệp mới bước vào thị trường với lãi suất phù hợp đảm bảo hài hòa lợi ích của các tổ chức tín dụng, doanh nghiệp cần vốn và lợi ích của người gửi tiền.
Quan trọng nhất là phải thay đổi nhận thức của xã hội đối với kinh tế tư nhân, trong đó Nhà nước phải có cái nhìn cởi mở hơn và phải có trách nhiệm bảo vệ doanh nghiệp, doanh nhân trước những dư luận không chính đáng. Nhưng về phía doanh nghiệp cũng phải tự mình từ bỏ tư duy phi chính thức mà thực hiện quản trị doanh nghiệp hiện đại.
+ Xin cảm ơn ông!