Nhà báo Nguyễn Nga - Phó Tổng Biên tập Báo Giao thông:

Chúng tôi đổi mới từng bước, trên tất cả các “mặt trận”

Thứ tư, 23/06/2021 14:00 PM - 0 Trả lời

(NB&CL) "Nếu không đủ nguồn lực để trở thành người dẫn đầu trong cuộc chơi công nghệ, thì chí ít ta cũng phải thích ứng được với nó ở mức độ nào đó. Thích ứng bằng sự đổi mới về công nghệ và nội dung"- Nhà báo Nguyễn Nga - Phó Tổng Biên tập Báo Giao thông chia sẻ.

Bài liên quan

Trong bối cảnh công nghệ số thay đổi chóng mặt, thuật toán tìm kiếm của Google thay đổi theo tháng, còn các chức năng của Facebook và mạng xã hội thay đổi hằng ngày, báo chí không thể thụ động đứng bên lề. Nếu không đủ nguồn lực để trở thành người dẫn đầu trong cuộc chơi công nghệ, thì chí ít ta cũng phải thích ứng được với nó ở mức độ nào đó” - Phó Tổng Biên tập Báo Giao thông Nguyễn Nga chia sẻ.

Nhanh - chính xác - nhân văn là mục tiêu chúng tôi theo đuổi trên chặng đường chuyển đổi số

+ Thực tế đã chứng minh chuyển đổi số (CĐS) trong báo chí không đơn thuần là cuộc cách mạng về công nghệ truyền thông mà còn là cuộc bứt phá về tư duy làm báo và kỹ năng tác nghiệp đa năng. Với Báo Giao thông, những thay đổi trong tư duy, trong kỹ năng tác nghiệp thời điểm này như thế nào, thưa bà?

- Đúng như bạn đặt vấn đề. Chuyển đổi số với báo chí chỉ thành công khi tòa soạn vừa ứng dụng được công nghệ vào sản xuất, tạo kênh phân phối tác phẩm báo chí vừa phải thay đổi tư duy, kỹ năng làm báo. Với chúng tôi, đây là cả một chặng đường dài, cả tập thể gần 100 con người đã cùng nhau vượt qua những hạn chế của chính mình.

Từ Tổng Biên tập tới phóng viên đều xuất phát từ những người chuyên làm báo giấy, với 5 kỳ báo phát hành một tuần, chúng tôi đã phải học hỏi không ngừng để có thể vừa làm báo giấy vừa làm báo điện tử “có người đọc”.  

Đã qua cái thời làm báo mà tờ báo in ra, phóng viên có thể nghỉ ngơi một vài ngày tìm đề tài khác để triển khai. Khi làm báo điện tử, nhịp điệu sản xuất gần như không có sự ngừng nghỉ.

Nếu đăng lên báo điện tử một bản tin chậm, một bài báo phiến diện, thiếu chính xác, sẽ không có người đọc và sẽ nhận về ngay lập tức những đánh giá tồi tệ, ảnh hưởng đến uy tín tờ báo. Khi đó, tờ báo không còn là người đưa tin về các sự cố mà chính họ sẽ gặp scandal.

Báo Công luận

Vì vậy, bên cạnh nỗ lực ứng dụng công nghệ để nâng cấp hạ tầng kỹ thuật cho báo điện tử, Báo Giao thông liên tục đào tạo biên tập viên, phóng viên thích ứng với cách làm báo trong môi trường mạng. Mình phải giỏi hơn, nhanh nhạy hơn thì mới có thông tin nhanh và chính xác hơn báo bạn, góc nhìn phải độc đáo và nhân văn thì mới cống hiến được cho cộng đồng những giá trị tốt đẹp.

Phóng viên phải dấn thân hơn, phải có nhiều kỹ năng hơn, trong đó có cả kỹ năng tham gia cộng đồng mạng, kỹ năng sử dụng điện thoại thông minh, máy tính để tác nghiệp nhanh và đa dạng...

Các thành viên trong dây chuyền sản xuất phải hỗ trợ nhau tối đa thì mới có sản phẩm tốt đến với bạn đọc. Nhanh - chính xác - nhân văn là mục tiêu hàng đầu chúng tôi theo đuổi trên chặng đường chuyển đổi số của mình.

Phải đổi mới đồng thời cả công nghệ và tư duy làm báo

+  Sự thay đổi ấy có phải là một cuộc đua? Và nó đã giúp tòa soạn vận hành linh hoạt, tối ưu nguồn lực, mở ra cơ hội tìm kiếm nguồn thu mới cho tờ báo như thế nào, thưa bà?

- Có thể nói, chuyển đổi số là một cuộc đua nhưng là cuộc đua với đồng nghiệp, với xã hội để đáp ứng những nhu cầu của bạn đọc trong bối cảnh hoàn toàn mới. Còn với chính bản thân các tòa soạn, nó buộc phải là một cuộc đổi mới song hành cả về công nghệ và tư duy nội dung như tôi nói ở trên.

Nói riêng về công nghệ, nếu ứng dụng vào quản trị thì sẽ vận hành linh hoạt hơn như bạn nói. Ví dụ đề xuất đề tài, đề nghị đi công tác, họp kế hoạch sản xuất, biên tập tin bài, duyệt nội dung, quản trị hợp đồng, quản trị đầu việc đều có thể thực hiện qua email, qua phần mềm hoặc họp trực tuyến, đỡ tốn kém chi phí in ấn, thời gian đi lại, tiền xăng xe… giúp tối ưu nguồn lực.

Nếu ứng dụng công nghệ vào sản xuất tin bài thì sẽ cung cấp cho bạn đọc những sản phẩm tốt hơn, đa dạng hơn như Emagazine tích hợp cả video và radio, Inforgaphic, Postcard, phần mềm đọc bài tự động, Motion graphic… Thậm chí cung cấp cả kho kiến thức dạng dữ liệu số cho bạn đọc.

Hai cái này thì nhiều tòa soạn đã thực hiện, nhưng việc ứng dụng công nghệ để điều hướng bạn đọc, tiếp cận đối tượng bạn đọc đích, chia sẻ nguồn thu với các kênh phân phối và thu phí đọc báo điện tử thì rất ít tòa soạn có đủ năng lực làm được hoặc làm một cách hiệu quả. Đây chính là điều chúng tôi muốn thực hiện và tạo ra sự khác biệt khi chuyển đổi số, nhưng con đường phía trước còn rất dài.

+ Ở  góc độ lãnh đạo hay phóng viên, biên tập viên thì đều muốn hướng đến đa năng, đa phương tiện, muốn đón bắt cơ hội... nhưng sức ép cũng không nhỏ khi vừa phải cạnh tranh, vừa phải đầu tư, vừa phải nỗ lực phát triển?

- Đúng là như vậy, dường như sự chuyển đổi số ở báo chí Việt Nam mới đang dừng lại ở bộ phận tòa soạn trong công việc “bếp núc” chuyên môn là chính. Nguyên nhân do không có nguồn lực để thực hiện hoặc nhận thức về chuyển đổi số chưa đúng.

Với nhiều tòa soạn, để có thể lựa chọn một phần mềm quản trị báo điện tử tốt đã là quá sức. Rất nhiều tòa soạn buộc phải dùng 1 phần mềm được thiết kế chung cho hàng chục báo. Như vậy không thể “đặt hàng” công nghệ phù hợp với bộ máy và sản phẩm báo chí riêng của mình. Việc chuyển đổi số đòi hỏi đầu tư lớn và chi phí sản xuất nội dung không hề nhỏ.

Thực tế nhìn lại, những tờ báo điện tử có lượng truy cập trong top 10 hiện nay đều có công ty công nghệ song hành, hoặc bản thân nó là một phần của một tập đoàn công nghệ. Các tờ báo khác buộc phải rơi lại ở tốp sau.

Nếu có nguồn lực, chúng tôi sẽ đi nhanh hơn

+ Nhưng rõ ràng, không thể cứ chần chừ mãi trong việc chuyển đổi để rồi có thể tuột mất cơ hội cũng không thể đốt cháy giai đoạn... Để CĐS, các tòa soạn báo cần làm gì và Báo Giao thông sẽ tiếp tục triển khai các bước tiếp theo như thế nào, thưa bà? 

- Để không bị tụt hậu, chúng tôi đổi mới từng bước và trên tất cả các “mặt trận”. Việc này đã được thực hiện từ 8 năm nay với sự chỉ đạo nhất quán của Đảng ủy và Ban Biên tập. Đó là, tích lũy tài chính để từng bước nâng cấp hạ tầng kỹ thuật máy chủ, đường truyền, CDN…; Tái cơ cấu lại sản phẩm, giảm kỳ báo giấy đầu tư cho điện tử; Tìm đối tác công nghệ để hỗ trợ; Thay đổi cách làm báo để có nhiều bạn đọc hơn và thay đổi cách quản trị tòa soạn để tối ưu nguồn lực. Nếu có nguồn lực, chúng tôi sẽ đi nhanh hơn nhưng trong bối cảnh hiện nay thì không có cách nào khác.

Báo Giao thông thường xuyên tổ chức tọa đàm trực tuyến nhằm thông tin nhanh hơn, thấu đáo hơn tới bạn đọc về những vấn đề đặt ra cho công tác quản lý nhà nước về giao thông vận tải. 

Báo Giao thông thường xuyên tổ chức tọa đàm trực tuyến nhằm thông tin nhanh hơn, thấu đáo hơn tới bạn đọc về những vấn đề đặt ra cho công tác quản lý nhà nước về giao thông vận tải. 

+ Như phân tích của bà, chuyển đổi số vừa là thách thức, vừa là chìa khóa và công cụ để các cơ quan báo chí khẳng định bản lĩnh của mình trong kỷ nguyên truyền thông đa phương tiện. Bản lĩnh ấy theo bà là gì và chúng ta cần có trợ lực gì để... bứt phá hơn nữa?

- Rõ ràng, kỷ nguyên của báo giấy đã kết thúc và báo chí Việt Nam phải bước vào một cuộc chơi mới, dù chậm hơn báo chí nước ngoài nhưng nó còn nguyên các thách thức cần giải quyết. Trong bối cảnh công nghệ số thay đổi chóng mặt, thuật toán tìm kiếm của Google thay đổi theo tháng, còn các chức năng của Facebook và mạng xã hội thay đổi hằng ngày, báo chí không thể thụ động đứng bên lề.

Nếu không đủ nguồn lực để trở thành người dẫn đầu trong cuộc chơi công nghệ, thì chí ít ta cũng phải thích ứng được với nó ở mức độ nào đó. Thích ứng bằng sự đổi mới về công nghệ và nội dung. Khẳng định sự hiện diện của mình trong dòng thác tin tức mạng bằng chính sứ mệnh của báo chí. Đó là đưa tin sự thật, bảo vệ sự thật, bảo vệ chính nghĩa, xây dựng niềm tin.

Chỉ có cách đó, báo chí mới không bị mạng xã hội hủy diệt. Chỉ có cách đó, thì dù dùng nền tảng công nghệ nào, ở trình độ khoa học công nghệ nào, người đọc cũng phải tìm kiếm những thông tin được đưa trên báo chí.

Với hiện trạng của nhiều tờ báo hiện nay, tôi cho rằng việc xác định mục tiêu và con đường đi không khó, cái khó là cơ chế, là sự hỗ trợ theo kiểu mở đường của Nhà nước để các tờ báo vượt qua được giai đoạn khó khăn, thậm chí vượt qua nguy cơ thua lỗ, đóng cửa.

Hãy hỗ trợ nền tảng công nghệ tối thiểu để báo chí hoàn thành nhiệm vụ chính trị của mình, hãy cho cơ chế để những tờ báo có sức sáng tạo, có động lực vượt qua thách thức, tạo dựng thương hiệu và đóng góp cho xã hội, không nên gò ép báo chí trong các tôn chỉ mục đích bó hẹp.

 + Xin trân trọng cảm ơn bà!

Vinh Thắng (Thực hiện)

Tin khác

Tôn vinh các tác giả tâm huyết, bản lĩnh, sáng tạo với nhiệm vụ bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng

Tôn vinh các tác giả tâm huyết, bản lĩnh, sáng tạo với nhiệm vụ bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng

(CLO) Tối 24/4, tại Nhà hát Lớn Hà Nội, Báo Quân đội nhân dân phối hợp với Hội Nhà báo Việt Nam và Ngân hàng Thương mại cổ phần Quân đội tổ chức Lễ Tổng kết và trao giải Cuộc thi viết “Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong tình hình mới” lần thứ ba (2023-2024); phát động Cuộc thi viết lần thứ tư (2024-2025).

Nghề báo
Chủ tịch UBND TP Hà Nội chỉ đạo làm rõ và xử lý nghiêm vụ hành hung phóng viên ở Thanh Trì

Chủ tịch UBND TP Hà Nội chỉ đạo làm rõ và xử lý nghiêm vụ hành hung phóng viên ở Thanh Trì

(CLO) Chủ tịch UBND TP Hà Nội vừa có công văn giao UBND huyện Thanh Trì chủ trì, phối hợp với CATP Hà Nội làm rõ thông tin phóng viên bị hành hung khi tác nghiệp tại vụ cháy ở Thanh Trì.

Nghề báo
Khởi động cuộc thi viết Sống đẹp lần 4 với chủ đề 'san sẻ yêu thương'

Khởi động cuộc thi viết Sống đẹp lần 4 với chủ đề 'san sẻ yêu thương'

(CLO) Chiều 24/4, Báo Thanh Niên tổ chức lễ phát động cuộc thi Sống đẹp lần 4 – năm 2024 với chủ đề “San sẻ yêu thương”. Thời gian nhận bài dự thi kéo dài từ ngày 24/4 - 30/9.

Nghề báo
Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức chương trình “Đất nước trọn niềm vui”

Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức chương trình “Đất nước trọn niềm vui”

(CLO) Nhân dịp kỷ niệm 49 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2024), Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp với một số đơn vị liên quan tổ chức chương trình “Đất nước trọn niềm vui”.

Nghề báo
Phát động cuộc thi bút ký, phóng sự viết về công đoàn, công nhân và người lao động Hà Tĩnh

Phát động cuộc thi bút ký, phóng sự viết về công đoàn, công nhân và người lao động Hà Tĩnh

(CLO) Sáng 24/4, tại UBND tỉnh Hà Tĩnh, Báo Lao Động phối hợp Liên đoàn Lao động tỉnh Hà Tĩnh tổ chức lễ phát động cuộc thi bút ký, phóng sự viết về công nhân, công đoàn và người lao động tỉnh Hà Tĩnh năm 2024.

Nghề báo