Ông Nguyễn Quốc Anh - Phó Tổng Giám đốc Batdongsan.com.vn:

“Doanh nghiệp cần có “Phương án B” để ứng phó với tình hình mới”

Thứ sáu, 25/06/2021 08:30 AM - 0 Trả lời

(NB&CL) Dịch Covid-19 tái bùng phát đã ảnh hưởng rất xấu đến nền kinh tế. Khối Doanh nghiệp (DN) kinh doanh BĐS cũng bị ảnh hưởng rất lớn.

Bài liên quan

Ông Nguyễn Quốc Anh - Phó Tổng Giám đốc Batdongsan.com.vn đã có cuộc trao đổi với Nhà báo & Công luận về những khó khăn mà các DN phải đối mặt cũng như là cơ hội và triển vọng thị trường trong bối cảnh mới.

+ Dịch Covid-19 vẫn diễn biến hết sức phức tạp làm ảnh hưởng đến nền kinh tế Việt Nam nói chung, trong đó có lĩnh vực bất động sản (BĐS). Các doanh nghiệp BĐS đang đối mặt với những vấn đề gì khó khăn nhất, thưa ông?

- Có thể nói, thị trường BĐS hiện nay đang thay đổi cơ bản về bối cảnh, vị thế và vĩ mô. Chúng ta đồng ý với nhau rằng, điểm quan trọng, cốt lõi của thị trường BĐS Việt Nam là chốt giao dịch dựa trên việc người mua và người bán gặp nhau.

Vì vậy, khó khăn đầu tiên đối với các DN BĐS Việt Nam hiện nay là làm thế nào để duy trì được hoạt động trong giai đoạn dịch bệnh, cần hạn chế tiếp xúc trực tiếp giữa người mua và người bán.

Yếu tố thứ 2, đó là khi các DN không có “phương án B” chuẩn bị cho các tình hình khác nhau. Trong giai đoạn dịch đầu tiên, chúng tôi ghi nhận một số DN cả môi giới lẫn chủ đầu tư chỉ có một biện pháp duy nhất là ngồi chờ, chờ xem dịch bệnh diễn ra như thế nào và kỳ vọng dịch sẽ kết thúc nhanh để quay lại trạng thái bình thường. Rất bị động!

Thực tế chứng minh, hiện tại chúng ta đã bước vào giai đoạn “bình thường mới”, tức là phải luôn luôn xác định sẽ “sống chung với lũ”. Trong khi đó, các phương án tổ chức hoạt động kinh doanh, tổ chức nhân sự, xây dựng tinh thần, xây dựng phương án kinh doanh,… của nhiều DN đều rất bị động, khiến cho nhân viên dễ dao động và việc duy trì hoạt động của DN rất khó khăn.

Đặc biệt là yếu tố tài chính để duy trì cho hoạt động của DN. Còn nhớ cuộc khủng hoảng nền kinh tế năm 2007 - 2011, giai đoạn đó, những DN nào có tích trữ tiền, hoặc có khả năng duy trì hoạt động để tạo ra tiền sẽ có khả năng cao hơn trong việc “sống sót” vượt qua khủng hoảng. Ngược lại đối với những đơn vị không có mức dự trữ nhất định thì việc duy trì sẽ rất khó và gây ra những yếu tố tiêu cực liên quan đến hoạt động của DN. Đây cũng là sự thanh lọc của thị trường.

Nhiều sàn giao dịch BĐS hiện vẫn đóng cửa do thị trường khó khăn.

Nhiều sàn giao dịch BĐS hiện vẫn đóng cửa do thị trường khó khăn.

Cơ hội sẽ đến với những DN phản ứng linh hoạt với tình hình

+Trong khó khăn vẫn luôn có cơ hội, vậy thưa ông, đâu là cơ hội của các DN BĐS trong bối cảnh hiện nay?

- Đúng vậy! Trong nguy có cơ, trong khó khăn luôn luôn có cơ hội, thậm chí tôi có thể nhìn thấy cơ hội rất rõ. Vậy cơ hội đến với những ai? Nó sẽ đến với những DN có sự phản ứng nhanh, linh hoạt với tình hình.

Để tồn tại và phát triển trong tình hình này, các DN phải nắm bắt được cơ hội, và cơ hội đầu tiên là chuyển hình thức hoạt động từ môi trường tiếp xúc trực tiếp sang môi trường sử dụng ứng dụng công nghệ. Điều này sẽ khó, nhưng đó là cơ hội rất lớn giúp DN có thể tiếp xúc với nhiều người hơn trong một thời gian nhất định, giảm thiểu chi phí và đặc biệt là tránh được nguy cơ dịch bệnh.

Cơ hội thứ 2 đến từ sự dịch chuyển của thị trường, một số ngành nghề giai đoạn này có cơ hội phát triển rất mạnh. Ví dụ ở phía Bắc, BĐS thổ cư đang nổi lên. Loại hình này có mô hình hoạt động không dựa trên nhân viên được trả lương cứng mà dựa trên cộng tác viên, họ nhận cộng tác viên rất nhiều, thu hút từ nhiều ngành nghề hiện đang thất nghiệp do dịch bệnh,… đây cũng là cơ hội rất tốt cho các DN để chuyển đổi cơ cấu hàng hóa, chuyển đổi nhân sự để phù hợp với tình hình.

+ Như ông vừa đề cập, chuyển đổi số chính là cơ hội cho các DN trong tình hình mới và trong tương lai. Vậy câu chuyện chuyển đổi số tại các DN đang được tiến hành như thế nào, thưa ông?

- Thực ra cho đến thời điểm hiện tại, công nghệ và chuyển đổi số vẫn chưa thay thế được những quan điểm truyền thống như “gặp mặt tận nơi, trao đổi trực tiếp” để chốt giao dịch. Tuy nhiên, bước đầu trong giai đoạn vừa rồi, nhiều đơn vị đã có sự thay đổi về nhận thức để thích ứng với bối cảnh, một số đơn vị đã bắt đầu triển khai.

Và những bước đi tiên phong thường thấy tại những chủ đầu tư lớn như Vinhomes, shunsine, Đất Xanh Miền Bắc… họ đã ứng dụng những phần mềm đầu tiên để quản trị trực tuyến.

Thế nhưng đại đa phần trên thị trường hiện tại, mức độ chuyển đổi chưa thực sự nhanh, nó vẫn đang ở mức “mạnh ai người đấy chạy”, một số đơn vị thì ngại về mặt chi phí, ngại về việc không tiện,… Đặc biệt là nền tảng môi giới của Việt Nam hiện tại phần lớn là tự phát sinh, chưa qua đào tạo bài bản, nên việc kiểm soát phần mềm nào đó khiến nhiều người cảm thấy không thoải mái.

Chưa kể khó khăn nhất là tập tính giao dịch của người Việt Nam rất khó để chuyển hẳn sang online, nhất là mua sản phẩm BĐS, những yếu tố này sẽ khiến cho quá trình chuyển đổi số lâu hơn.

Ông Nguyễn Quốc Anh - Phó Tổng Giám đốc Batdongsan.com.vn

Ông Nguyễn Quốc Anh - Phó Tổng Giám đốc Batdongsan.com.vn

Trong mọi tình huống đều phải có “Phương án B”

+ Ông vừa nói đến “Phương án B”, vậy nhìn từ những đợt dịch Covid-19 bùng phát thời gian qua, theo ông các DN BĐS có nên chuẩn bị sẵn kế hoạch hoặc phương án ứng phó cho những kịch bản tương tự có thể xảy đến trong tương lai không? Vì sao?

- “Phương án B” là phương án rất quan trọng và cần thiết đối với mọi DN, tôi nhấn mạnh là trong mọi tình huống đều phải có “phương án B”! Nhưng tôi nhận thấy thực tế rất nhiều đơn vị chưa chuẩn bị phương án này.

Vì sao tôi nói “Phương án B” quan trọng? Bởi nếu DN có sự chuẩn bị các phương án dự trữ thì khi dịch bùng phát, hoặc khi xảy ra sự cố nào đó thì yếu tố đầu tiên là sẽ giúp giảm thiểu được rủi ro, đa dạng hóa được sản phẩm, đa dạng hóa thị trường đang giao dịch…

Và quan trọng hơn cả là cần có sự chuẩn bị về mặt tài chính, DN nào cũng cần có dòng tiền và tích lũy về mặt tài chính để chủ động hơn cho các hoạt động của mình.

+ Ở góc độ thị trường, dịch Covid-19 được cho là đã khiến thói quen, hành vi của người tiêu dùng thay đổi. Vì vậy, thị trường BĐS cũng đã có sự thay đổi để thích ứng với bối cảnh mới. Vậy sự thay đổi cụ thể đó là gì, thưa ông?

- Sự thay đổi đầu tiên mà tất cả chúng ta đều thấy rõ đó là người tiêu dùng sẽ phải ở nhà nhiều hơn, “khẩu vị” và thói quen cũng khác trước rất nhiều, có thể họ sẽ dành thời gian ưu tiên để tìm kiếm các cơ hội đầu tư qua các kênh online. Đây là một gợi ý rất tốt dành cho các chủ đầu tư cũng như các đơn vị môi giới BĐS. Việc quảng cáo trực tuyến sẽ là yếu tố quan trọng tạo nên thói quen mới cho người tiêu dùng…

Một yếu tố nữa là dòng tiền chi phối thị trường. Hiện tại người ta ít có xu hướng chuyển tiền vào ngân hàng do lãi thấp, nên dòng tiền chuyển hướng đầu tư vào các kênh khác, có thể chứng khoán, cũng có thể là BĐS.

Chứng khoán sẽ có những chu kỳ của nó và có độ phức tạp nhất định mà không phải ai cũng tham gia được, hoặc những người đã đầu tư chứng khoán họ tìm cách rút lời ra để đầu tư và lĩnh vực bất động sản được tìm đến đầu tiên. Do vậy, đơn vị nào tận dụng quảng cáo trực tuyến tốt, có thông tin đầy đủ, sẽ có xu hướng tồn tại rất tốt, và phát triển tốt.

Thậm chí, hiện nhiều chủ đầu tư còn thực hiện mở bán online, đây cũng là một xu hướng hoàn toàn mới về sự thay đổi hành vi của chủ đầu tư và người tiêu dùng, khi họ chỉ cần ở nhà xem hoạt động mở bán qua kênh online…

Tất nhiên tôi vẫn cho rằng tất cả những yếu tố này đều đang trong quá trình dần dần thay đổi, tiếp theo sẽ còn khó hơn nữa trong việc khiến những nhà đầu tư, những người tìm kiếm bất động sản thực hiện giao dịch online. Dù vậy, cái gì cũng cần phải có thời điểm bắt đầu và thời gian để dần thích ứng.

+ Trân trọng cảm ơn ông!

Báo Công luận

Thanh Thư (Thực hiện)

Tin khác

PVOIL cam kết nỗ lực hết sức, tận dụng mọi cơ hội để tăng trưởng trong năm 2024

PVOIL cam kết nỗ lực hết sức, tận dụng mọi cơ hội để tăng trưởng trong năm 2024

(CLO) Ngày 22/4, tại TP HCM, Tổng công ty Dầu Việt Nam – CTCP (PVOIL, mã cổ phiếu: OIL) đã tổ chức gặp mặt các cổ đông lớn và nhà đầu tư trước thềm Đại hội đồng cổ đông thường niên 2024.

Thị trường - Doanh nghiệp
IMF kêu gọi Italy, Pháp giảm chi tiêu, Đức nới lỏng hầu bao

IMF kêu gọi Italy, Pháp giảm chi tiêu, Đức nới lỏng hầu bao

(CLO) Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) khuyên Italy và Pháp nên cắt giảm chi tiêu nhanh hơn kế hoạch hiện tại để kiểm soát nợ trong khi Đức nên nới lỏng hầu bao của mình để vực dậy tăng trưởng kinh tế.

Thị trường - Doanh nghiệp
EU sắp trừng phạt LNG của Nga

EU sắp trừng phạt LNG của Nga

(CLO) Ngoại trưởng Thụy Điển Tobias Billstrom tuyên bố hôm thứ Hai (22//4), EU có kế hoạch nhắm trừng phạt vào nguồn cung cấp khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) của Nga trong gói trừng phạt thứ 14 chống lại Moscow.

Thị trường - Doanh nghiệp
Quý 1/2024: Techcombank báo lãi 7.802 tỷ đồng, quán quân tỷ lệ CASA ở mức 40,5%

Quý 1/2024: Techcombank báo lãi 7.802 tỷ đồng, quán quân tỷ lệ CASA ở mức 40,5%

(CLO) Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) công bố kết quả kinh doanh hợp nhất quý 1/2024 với lợi nhuận trước thuế đạt 7.802 tỷ đồng, tăng 38,7% so với cùng kỳ năm 2023. Lợi thế về vốn giá rẻ (tiền gửi không kỳ hạn - CASA) quý 1 tiếp tục tăng lên 40,5%, vượt xa các đối thủ cạnh tranh trong ngành.

Thị trường - Doanh nghiệp
Thanh Hoá sắp có nhà máy sản xuất ván tre hơn 3 nghìn tỷ đồng

Thanh Hoá sắp có nhà máy sản xuất ván tre hơn 3 nghìn tỷ đồng

(CLO) Mới đây, UBND tỉnh Thanh Hoá có quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời chấp thuận nhà đầu tư Dự án Nhà máy sản xuất ván tre OSB staBOO Thanh Hóa tại xã Thiết Ống, huyện Bá Thước.

Thị trường - Doanh nghiệp