Ngày 14/12, đại cử tri bầu Tổng thống Mỹ: Cơ hội nào cho ông Trump?
(CLO) Hơn một tháng sau Ngày bầu cử, các đại cử tri đoàn của các bang sẽ nhóm họp ngày 14/12 để trực tiếp thay mặt cử tri bầu Tổng thống tiếp theo của Mỹ. Trong bối cảnh các nỗ lực pháp lý đều bất thành, Tổng thống Donald Trump không hy vọng lật ngược kết quả bầu cử đang thuộc về ông Joe Biden.

Bài liên quan
Ông Trump đã hết cơ hội để lật ngược kết quả bầu cử?
Ông Trump: 'Những điều lớn lao sẽ xảy ra trong vài ngày tới'
Tổng thống Trump vẫn tin 'đang giành chiến thắng trong cuộc bầu cử’
Ông Trump dự định vận động bầu cử năm 2024 vào ngày ông Biden nhậm chức
Ông Trump nói Bộ Tư pháp và FBI nhúng tay vào gian lận bầu cử
Tòa Tối cao từ chối vụ kiện của Texas, Donald Trump thất vọng
Tuần trước, Bộ trưởng Tư pháp bang Texas dẫn đầu một vụ kiện có sự ủng hộ của 17 bang khác, đòi hủy phiếu bầu tại 4 bang chiến trường mà ông Joe Biden giành chiến thắng gồm Georgia, Michigan, Pennsylvania và Wisconsin.
Ngay sau đó, hơn 100 nghị sĩ đảng Cộng hòa và quan chức 17 bang khác cũng đã ký vào đơn kiện nhằm lật ngược kết quả bầu cử tại các bang nói trên.
Theo đơn kiện đệ trình lên Tòa án Tối cao, Bộ trưởng Ken Paxton viện dẫn các vi phạm từ phía các bang nói trên, đặc biệt là việc thay đổi các quy trình bầu cử của họ trước cuộc bầu cử với lý do là đại dịch.
Các nhà bình luận đánh giá, đây được xem là những nỗ lực cuối cùng của phe ủng hộ Donald Trump trong cuộc bầu cử Tổng thống được xem là hỗn loạn nhất lịch sử nước Mỹ.
Tuy nhiên, ngày 11/12, Tòa án Tối cao Mỹ đã bác đơn kiện của Texas khi nói rằng Texas không có quyền hợp pháp để tranh tụng về cách các bang khác tiến hành bầu cử. "Texas đã không thể hiện lợi ích có thể nhận thức được về mặt tư pháp đối với cách thức các bang khác tiến hành bầu cử", Tòa án cho biết trong một tuyên bố.
Trong một cuộc phỏng vấn được phát sóng ngày 13/12, Tổng thống Donald Trump đã bày tỏ sự thất vọng với quyết định của Tòa án Tối cao, đồng thời tiếp tục khẳng định cuộc bầu cử có gian lận phiếu bầu trên diện rộng và khẳng định ông bị cướp nhiệm kỳ thứ hai.
Hôm Chủ nhật (13/12), rất đông người ủng hộ ông Trump đã tổ chức biểu tình ở thủ đô Washington. Bạo lực đã xảy ra sau đó giữa những người ủng hộ và phản đối Tổng thống Mỹ. Hàng chục người đã bị cảnh sát bắt giữa vì những cáo buộc gây rối trật tự.
Bất chấp những nỗ lực phản đối được xem là sau chót của phe ủng hộ Tổng thống đảng Cộng hòa, các đại cử tri của các tiểu bang sẽ vấn nhóm họp theo kế hoạch để bầu Tổng thống tiếp theo của Mỹ. Cho đến lúc này, cơ hội lật ngược kết quả bầu cử của nhóm ông Trump gần như không còn.

Đại cử tri Mỹ họp bầu trực tiếp Tổng thống trong lịch sử - Ảnh minh họa: Getty
Đại cử tri họp bầu Tổng thống
Nước Mỹ có 50 bang, 1 đặc khu liên bang và 1 vùng lãnh thổ. Theo hiến pháp Mỹ, mỗi tiểu bang, đặc khu và vùng lãnh thổ có một số lượng đại cử tri nhất định tùy thuộc vào quy mô dân số, đại diện cho bang đó. Sau mỗi 10 năm, nước Mỹ lại tiến hành điều tra dân số lại để phân bổ số ghế tại Hạ viện, qua đó xác định lại số đại cử tri của các bang.
Theo luật pháp, ứng viên Tổng thống nào giành được nhiều phiếu phổ thông nhất ở một bang sẽ chiến thắng toàn bộ phiếu đại cử tri ở bang đó.
Cũng theo Hiến pháp Mỹ, các đại cử tri không phải là các thành viên của lưỡng đảng tại Quốc hội hoặc đang giữ chức vụ tại các cơ quan liên bang. Sau khi tiến hành kiểm phiếu, công nhận kết quả bầu cử, chính quyền tiểu bang sẽ chọn ra các Đại cử tri đại diện cho bang đó bầu cử Tổng thống trực tiếp.
Theo thông lệ, các bang thường lựa chọn những chính trị gia đã nghỉ hưu. Ngoài ra, các nhà hoạt động chính trị, các nhà vận động hành lang, các cá nhân có liên hệ với ứng viên chiến thắng cũng nằm trong số những người được chọn.
Vào ngày 14/12, các đại cử tri hay cử tri đoàn được tiểu bang lựa chọn sẽ nhóm họp. Họ sẽ bầu trực tiếp Tổng thống và phó Tổng thống. Các đại cử tri sẽ bỏ phiếu theo kết quả bầu cử được xác nhận tại bang, với phiếu bầu được chọn cho ứng viên Tổng thống giành chiến thắng tại bang đó.
Tuy nhiên, trong lịch sử Mỹ từng chứng kiến những đại cử tri không bỏ phiếu cho người chiến thắng trong cuộc bỏ phiếu phổ thông tại bang mà họ đại diện. Những Đại cử tri này được gọi là “Đại cử tri bất trung”. Ở một số bang, đại cử tri có thể bị thay thế hoặc bị trừng phạt nếu không tuân thủ nguyên tắc.
Trong lịch sử bầu cử Mỹ từng ghi nhận 165 đại cử tri bất trung. Điều đáng nói, việc “Đại cử tri bất trung” có xu hướng xuất hiện nhiều hơn những năm gần đây. Năm 2016, ít nhất 10 đại cử tri đến từ hai đảng Cộng hòa và Dân chủ bị coi là “bất trung” khi bỏ phiếu cho ứng viên khác.
Theo thống kê của các kênh truyền thông, ông Joe Biden hiện tại giành được 306 phiếu đại cử tri, trong khi ông Donald Trump chỉ có 232 phiếu. Với kết quả này, ông Joe Biden sẽ trở thành Tổng thống thứ 46 của nước Mỹ trong 4 năm tới.
Cơ hội duy nhất để phe ông Trump nuôi hy vọng vào lúc này là những “Đại cử tri bất trung”. Theo tiết lộ, một số đồng minh của Tổng thống Mỹ, nhóm nghị sĩ đảng Cộng hòa đang lên kế hoạch "lật kèo" ở cuộc họp đại cử tri.
Tuy nhiên, ngay cả khi nỗ lực thách thức kết quả của nhóm nghị sĩ Cộng hòa thành công, nó vẫn cần được Hạ viện do đảng Dân chủ kiểm soát và Thượng viện do đảng Cộng hòa kiểm soát thông qua. Đây được coi là một kịch bản gần như không thể xảy ra.
Chưa kể, theo kết quả chứng nhận bầu cử được các bang công bố, ông Joe Biden được dự đoán giành 306 phiếu đại cử tri, trong khi Tổng thống Donald Trump chỉ giành 232 phiếu.
Các lá phiếu đại cử tri đoàn sau khi được bỏ vào ngày 14/12 sẽ vô hiệu hóa mọi nỗ lực pháp lý thách thức kết quả bầu cử của phe Tổng thông Trump.
Sau ngày 14/12, kết quả bầu cử của các đại cử tri sẽ được gửi tới lưỡng viện Quốc hội. Ngày 6/1/2021, lưỡng viện sẽ tổ chức một cuộc họp chung, do Phó tổng thống Mike Pence - Chủ tịch Thượng viện - chủ trì, để xem xét kết quả bỏ phiếu của đại cử tri đoàn.
Sau đó, ngày 20/1/2021, Tổng thống mới của Mỹ sẽ tuyên bố nhậm chức tại Phòng Bầu dục.