Bài liên quan

+ Thưa bà, tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2020 và triển khai nhiệm vụ năm 2021 của Bộ TT-TT, Thứ trưởng Bộ TT-TT Phan Tâm đã khẳng định: “CĐS là xu thế tất yếu của các cơ quan báo chí hiện nay để có thể tiếp tục tồn tại, phát triển, thu hút độc giả”. Quan điểm của bà như thế nào về sự tất yếu ấy?

- Tôi đồng tình với quan điểm của Thứ trưởng Phan Tâm. Đẩy mạnh đổi mới và ứng dụng công nghệ truyền thông hiện đại đang là chiến lược được ưu tiên của các hãng thông tấn, các cơ quan báo chí trên thế giới để đảm bảo một tương lai phát triển bền vững. Báo chí không thể đứng ngoài xu thế của CĐS bởi báo chí vừa là chủ thể, vừa là đối tượng chịu tác động trong vòng xoay của CĐS.

Các hãng thông tấn trong khu vực đều đang vận hành một hệ sinh thái số: Tân Hoa xã (Trung Quốc) với môi trường tác nghiệp vệ tinh, Yonhap (Hàn Quốc) vận hành hệ thống Infonet tại các sự kiện lớn, TASS (Nga) thiết lập cơ sở quản lý tài sản thông tin số, ANTARA (Indonesia) tập trung phát triển báo chí đa phương tiện tương tác…

Tại Việt Nam, báo chí truyền thông cũng là một trong những lĩnh vực tiên phong trong công cuộc CĐS những năm gần đây.

Nhiều cơ quan báo chí đã nhanh nhạy chuyển đổi sang mô hình làm báo hội tụ, phóng viên tác nghiệp đa năng cung cấp các sản phẩm đa loại hình, quy trình xử lý thông tin được thực hiện trên môi trường số; tiếp cận và tương tác với công chúng trong một không gian số…; và cũng chịu tác động của CĐS khi phải tham gia vào cuộc cạnh tranh thông tin khốc liệt; phải chia sẻ lợi nhuận với các nhà mạng viễn thông; kinh tế báo chí vận hành theo quy luật môi trường số…

Các hình thức xuất bản như báo giấy, phát thanh hay truyền hình truyền thống tiếp tục được duy trì nhưng luôn song hành với một phiên bản số. CĐS tạo ra những thách thức lớn và cả những cơ hội lớn, đòi hỏi các cơ quan báo chí phải đổi mới, chuyển mình và bứt phá.

+ Cuộc CĐS ngành báo chí truyền thông không đơn giản là “đưa lên mạng Internet” một cách thuần vật lý, mà đang thể hiện mạnh mẽ ở các hoạt động mang tính cốt lõi, từ việc thay đổi tổ chức nhân sự của đơn vị, tòa soạn đến nội dung, công nghệ và đào tạo nguồn nhân lực... Được biết, TTXVN đã nhận rõ tầm quan trọng của công cuộc này, bắt đầu triển khai từ rất sớm. Xin Phó Tổng Giám đốc chia sẻ cụ thể hơn về vấn đề này?

- TTXVN là một trong các cơ quan báo chí sử dụng mạng Internet để đưa thông tin tới công chúng trong và ngoài nước từ khá sớm, với những bước đi đầu tiên vào khoảng năm 1997, 1998. Những ngày đầu tiên đó, chúng tôi coi Internet đơn giản là một phương thức truyền tải thông tin đến với công chúng một cách nhanh chóng và tiện lợi, đặc biệt là khả năng xóa đi khoảng cách về mặt địa lý.

Cùng với sự phát triển nhanh chóng của công nghệ thông tin, môi trường số giúp người làm báo lưu trữ, tra cứu thông tin thuận lợi và hầu như không giới hạn, kết nối các tác phẩm báo chí có liên quan, cùng chủ đề, tương tác với công chúng và đo đếm được sự quan tâm của công chúng đối với những sự kiện/vấn đề mà báo chí nêu.

Trong những năm gần đây, công nghệ số còn giúp chúng ta biết cả “gu” xem, nghe, đọc của từng người và tự động hóa quá trình đưa thông tin đó đến với người tiếp cận thông tin (tính năng cảm biến người dùng).

Bước sang thế kỷ 21, người làm báo của TTXVN đứng trước yêu cầu phải chuyển đổi từ việc chỉ tác nghiệp một loại hình báo chí sang phương thức tác nghiệp đa năng. Hệ thống xử lý thông tin của ngành từ chỗ tạo ra từng “modul” cho mỗi loại hình báo chí đã chuyển đổi sang một mô hình đa phương tiện, đa nền tảng, tăng cường tính kết nối giữa các sản phẩm thông tin và các đơn vị xử lý thông tin.

Các loại hình thông tin mới của TTXVN được ra đời khá sớm với việc khởi tạo các kênh thông tin trên mạng xã hội, các ứng dụng di động của Báo VietnamPlus, Báo Thể thao và Văn hóa, Truyền hình thông tấn VNews…

Liên kết nội dung và quảng bá chéo đã giúp mở rộng độ bao phủ nguồn thông tin chính thống của TTXVN trong hệ thống báo chí trong và ngoài nước.

Cùng với đó, việc kiên trì số hóa thông tin tư liệu trong nhiều năm qua cũng đã giúp TTXVN hình thành một hệ thống cơ sở dữ liệu số. Đây chính là nền tảng cho việc ra đời của các sản phẩm thông tin đồ họa và thông tin tư liệu dạng số. Những cơ sở dữ liệu số đã giúp TTXVN thử nghiệm và phát triển các sản phẩm trí tuệ nhân tạo (AI) của báo chí như chat box; hay phát huy vai trò của báo chí dữ liệu.

Về đào tạo nhân lực, TTXVN chủ yếu thực hiện đào tạo tại chỗ, trao đổi trong từng nhóm nhỏ với sự tham gia của một số nhân sự am hiểu về báo chí đa phương tiện như nhà báo Lê Quốc Minh (Ủy viên Trung ương Đảng, TBT Báo Nhân dân), nguyên Phó Tổng Giám đốc TTXVN, hay một số nhà báo nước ngoài làm việc tại các hãng thông tấn đối tác của TTXVN.

Chúng tôi cũng thường xuyên tổ chức các đoàn nhà báo tham gia các lớp tập huấn, chương trình trao đổi với các hãng đối tác như nghiên cứu mô hình truyền thông đa phương tiện của hãng Kyodo News (Nhật Bản), tìm hiểu thực tế hoạt động của trang điện tử Xinhuanet (Trung Quốc)...

TTXVN đã kịp thời cập nhật các mô hình phát triển phù hợp và tổ chức các lớp tập huấn nội bộ để chia sẻ kiến thức mới, phương thức tác nghiệp mới cho các phóng viên, biên tập viên và đặc biệt cho đội ngũ kỹ thuật, vốn luôn là lực lượng giữ nhịp để dòng tin thông tấn không ngừng chảy.

+ Việc tiên phong trong chuyển đổi số đã giúp Hãng thông tấn Quốc gia thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của một cơ quan báo chí chủ lực đa phương tiện quốc gia như thế nào thời gian qua, thưa bà?

- TTXVN những năm gần đây đã có những bước đi cụ thể trong triển khai CĐS và trên thực tế đã phát triển đầy đủ các loại hình thông tin trên nền tảng kỹ thuật hiện đại. TTXVN đã không ngừng phát huy sức mạnh tổng hợp của một cơ quan báo chí chủ lực đa phương tiện quốc gia trong việc cung cấp thông tin nguồn cho các cơ quan báo chí trong nước và thế giới, đồng thời cung cấp trực tiếp thông tin tới công chúng với một hệ thống khoảng 60 sản phẩm thông tin bằng các loại hình.

Trong lịch sử hình thành và phát triển 76 năm qua, chúng tôi có thể tự hào rằng TTXVN luôn là lực lượng tiên phong, chủ lực trong việc phát thông tin về quan điểm, đường lối chính thức của Đảng và Nhà nước tới đông đảo công chúng, tạo đồng thuận và niềm tin trong xã hội.

TTXVN còn thực hiện vai trò cầu nối đưa những ý kiến của người dân, phản ánh thực tiễn của xã hội tới lãnh đạo Đảng, Nhà nước và các cơ quan chức năng; phản ánh ý kiến khách quan của bạn bè quốc tế, chuyên gia, học giả nước ngoài đối với tiến trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc….

Xuất phát từ yêu cầu của nhiệm vụ nên TTXVN luôn tổ chức thông tin theo hướng bám sát các nguồn tin có thẩm quyền, bám sát thực tiễn và tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quy trình tác nghiệp để đạt được hiệu quả cao nhất.

Thông tin của TTXVN luôn thể hiện ý kiến tổng hợp đa chiều, khách quan; luôn được cập nhật theo diễn tiến của sự việc/vấn đề; và đưa ra những giải pháp, thông tin tham chiếu cho các vấn đề cần tháo gỡ.

Trong những năm qua, thông tin của TTXVN đã được đăng phát trên nhiều nền tảng như báo in, truyền hình, và nền tảng Internet. Việc lan tỏa thông tin trên mạng xã hội cũng giúp thông tin của TTXVN tới trực tiếp với bạn đọc.

Thời gian gần đây, TTXVN cũng phối hợp với các địa phương/ngành đưa thông tin lên các bảng điện tử tại nhiều địa điểm công cộng. Bên cạnh đó, TTXVN còn thực hiện thỏa thuận trao đổi thông tin với khoảng 40 hãng thông tấn, truyền thông để tăng cường hiệu quả tuyên truyền đối ngoại.

Để thực hiện những nhiệm vụ đó, TTXVN ưu tiên đầu tư cho hạ tầng kỹ thuật, phát triển hệ thống tác nghiệp đa phương tiện tập trung theo mô hình hội tụ nhằm đảm bảo các yếu tố cần thiết cho việc sản xuất nhiều loại hình sản phẩm trên các nền tảng truyền thông khác nhau. TTXVN đã xây dựng hệ thống tác nghiệp VNA NPS (News Production System) được định hướng như một “nhà máy” sản xuất thông tin trong toàn ngành. Với hệ thống này, cơ sở dữ liệu được tập trung với các lớp ứng dụng hỗ trợ, phục vụ các luồng công việc, hệ thống giám sát công việc, phân quyền.

Việc ứng dụng CNTT đã giúp rút ngắn thời gian tác nghiệp từ khâu chỉ đạo, tổ chức sản xuất thông tin và xuất bản. CĐS cũng giúp chúng tôi nắm bắt được nhu cầu thông tin của công chúng một cách trực tiếp hơn để tạo ra các sản phẩm thông tin vừa đáp ứng yêu cầu tuyên truyền của Đảng, Nhà nước nhưng cũng sáng tạo và gần gũi hơn với công chúng. Những tác phẩm tích hợp các loại hình thông tin, khai thác tối đa cơ sở dữ liệu của ngành đã mang lại hiệu quả tuyên truyền cao trong xã hội.

+ Tôi quan tâm đặc biệt đến 2 đợt tuyên truyền gần đây nhất của TTXVN là tuyên truyền Đại hội đại biểu toàn Đảng lần thứ XIII và bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026... Rõ ràng là, sự “đi trước đón đầu” trong CĐS đã mang đến hiệu quả truyền thông rất lớn. Xin bà cho biết cụ thể hơn ý nghĩa của CĐS trong công tác tuyên truyền hai sự kiện trọng đại này?

- Trong các sự kiện trọng đại của đất nước, TTXVN luôn đóng vai trò truyền thông chủ lực, huy động mọi nguồn lực vào cuộc, phát huy sức mạnh của toàn ngành để thông tin đạt hiệu quả cao nhất. Bắt nhịp xu hướng hiện nay đối với các loại hình truyền thông mới, trên cơ sở hạ tầng kỹ thuật số được phát triển khá sớm, TTXVN đã tổ chức thông tin theo hướng đa loại hình, đa nền tảng. Các sản phẩm thông tin kết hợp nhiều loại hình ngày càng thu hút độc giả, mang lại hiệu quả truyền thông với lượng truy cập cao và thời gian giữ độc giả xem lâu hơn.

Đối với hai tuyến thông tin trọng điểm là Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV, đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026, TTXVN đã xây dựng hai trang thông tin đặc biệt tại địa chỉ: www.daihoidang.vn; www.baucuquochoi.vn.

Bên cạnh thông tin thời sự, hệ thống dữ liệu của TTXVN về các kỳ Đại hội Đảng, các khóa Quốc hội và danh sách các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng, các đại biểu Quốc hội, HĐND các cấp luôn xếp ở vị trí hàng đầu khi sử dụng công cụ tìm kiếm của Google.

Đây là hai chuyên trang duy nhất đến thời điểm này cung cấp thông tin dạng cơ sở dữ liệu (tích hợp thông tin văn bản và hình ảnh) về nhân sự của hai sự kiện quan trọng nhất của Việt Nam.

Các đơn vị thông tin của TTXVN cũng đã xuất bản các sản phẩm thông tin kết hợp công phu giữa thông tin dữ liệu và thông tin thời sự, thu hút độc giả, nâng cao hiệu quả tuyên truyền như các bài: Ngày hội bầu cử 23/5, Đại hội Đảng XIII: Khát vọng phát triển đất nước

Xác định đúng phương thức triển khai, quyết tâm đưa CĐS vào thực tiễn hoạt động báo chí là hướng đi đúng đã và đang được TTXVN triển khai nhằm khẳng định vai trò chủ lực của TTXVN trong hệ thống thông tin đa phương tiện quốc gia.

+ Một con đường không dễ đi, có cơ hội nhưng không ít thách thức. Với kinh nghiệm thực tế, xin bà cho biết, báo chí Việt Nam cần giải bài toán này như thế nào để bắt nhịp xu thế và phát triển hơn nữa?

- Với chúng tôi, CĐS là một hành trình với nhiều chặng. Để tiến xa trong hành trình đó, mỗi cơ quan báo chí cần tìm cho mình một con đường phù hợp, một phương thức phù hợp với sứ mệnh mà chúng ta đang thực hiện.

TTXVN đã kiên trì thực hiện việc thay đổi để thích ứng với sự chuyển đổi không ngừng của báo chí và nhu cầu của công chúng. Việc đổi mới luôn được tiến hành từ đơn vị nhỏ, đúc rút kinh nghiệm để triển khai ở quy mô lớn hơn. Có những mảng chúng tôi chọn đi thẳng tới sự hiện đại nhưng cũng có những nhiệm vụ chúng tôi chọn cách đầu tư khiêm tốn hơn, và đôi khi là các giải pháp kết hợp giữa hiện đại và truyền thống. Đây là cách làm chống “sốc” cho cả đội ngũ làm báo của chúng tôi và cho cả công chúng.

Chúng tôi nhận thấy vẫn còn một tỷ lệ công chúng nhất định vẫn ưa chuộng những sản phẩm truyền thống và TTXVN cũng vẫn mong muốn được sản xuất ra những sản phẩm truyền thống (nhưng không phải với cách thức cũ mà với một tinh thần mới, nội dung tốt hơn, chuyên sâu hơn).

Trong một góc khác của câu chuyện, chúng ta nói tới báo chí dữ liệu tức là chúng ta phải có dữ liệu. Cơ sở dữ liệu thường được xây dựng trong một thời gian đủ dài. Ngay cả khi một cơ quan báo chí có tiềm lực kinh tế lớn có thể mua được một cơ sở dữ liệu khổng lồ nhưng để khai thác cơ sở dữ liệu đó một cách có hiệu quả thì người sử dụng phải am hiểu cơ sở dữ liệu mà ta đang có. Dữ liệu chỉ có ý nghĩa và thu hút được công chúng khi các cơ quan báo chí chọn lựa và kết nối phù hợp với vấn đề, sự kiện thời sự.

+ Một con đường không dễ đi, có cơ hội nhưng không ít thách thức. Với kinh nghiệm thực tế, xin bà cho biết, báo chí Việt Nam cần giải bài toán này như thế nào để bắt nhịp xu thế và phát triển hơn nữa?

- Với chúng tôi, CĐS là một hành trình với nhiều chặng. Để tiến xa trong hành trình đó, mỗi cơ quan báo chí cần tìm cho mình một con đường phù hợp, một phương thức phù hợp với sứ mệnh mà chúng ta đang thực hiện.

TTXVN đã kiên trì thực hiện việc thay đổi để thích ứng với sự chuyển đổi không ngừng của báo chí và nhu cầu của công chúng. Việc đổi mới luôn được tiến hành từ đơn vị nhỏ, đúc rút kinh nghiệm để triển khai ở quy mô lớn hơn. Có những mảng chúng tôi chọn đi thẳng tới sự hiện đại nhưng cũng có những nhiệm vụ chúng tôi chọn cách đầu tư khiêm tốn hơn, và đôi khi là các giải pháp kết hợp giữa hiện đại và truyền thống. Đây là cách làm chống “sốc” cho cả đội ngũ làm báo của chúng tôi và cho cả công chúng.

Chúng tôi nhận thấy vẫn còn một tỷ lệ công chúng nhất định vẫn ưa chuộng những sản phẩm truyền thống và TTXVN cũng vẫn mong muốn được sản xuất ra những sản phẩm truyền thống (nhưng không phải với cách thức cũ mà với một tinh thần mới, nội dung tốt hơn, chuyên sâu hơn).

Trong một góc khác của câu chuyện nhé, chúng ta nói tới báo chí dữ liệu tức là chúng ta phải có dữ liệu. Cơ sở dữ liệu thường được xây dựng trong một thời gian đủ dài. Ngay cả khi một cơ quan báo chí có tiềm lực kinh tế lớn có thể mua được một cơ sở dữ liệu khổng lồ nhưng để khai thác cơ sở dữ liệu đó một cách có hiệu quả thì người sử dụng phải am hiểu cơ sở dữ liệu mà ta đang có. Dữ liệu chỉ có ý nghĩa và thu hút được công chúng khi các cơ quan báo chí chọn lựa và kết nối phù hợp với vấn đề, sự kiện thời sự.

Thực tiễn cho thấy chuyển đổi số giúp báo chí phục vụ công chúng tốt hơn. Trên con đường đó còn rất nhiều điều mới mẻ vì vậy TTXVN xác định cần tiếp tục tìm hiểu để chọn ra những cách làm và ứng dụng phù hợp với năng lực và định hướng phát triển trong thời gian tới.

+ CĐS vừa là thách thức, vừa là chìa khóa và công cụ để các cơ quan báo chí khẳng định bản lĩnh của mình trong kỷ nguyên truyền thông đa phương tiện. Bản lĩnh ấy nằm ở chỗ, dù như thế nào, người làm báo hiện đại vẫn giữ được những giá trị cốt lõi của nghề báo: Đó là tính chính xác, khách quan, công bằng, đúng tôn chỉ mục đích và đạo đức nghề nghiệp. Để những điều ấy trở thành bất biến, các cơ quan báo chí trong dòng chảy CĐS hôm nay cần phải làm gì, thưa bà?

- Tôi đồng ý với ý kiến của phóng viên đó là báo chí luôn phải đảm bảo tính chính xác, khách quan, công bằng và người làm báo phải có trách nhiệm xã hội đối với những nội dung phản ánh. Điều này đòi hỏi chúng ta luôn phải tuân thủ những nguyên tắc nằm lòng của người làm báo đó là kiểm chứng để xác thực thông tin, phản ánh vấn đề/sự kiện từ các góc độ khác nhau, trong đó đặc biệt chú ý đến những ý kiến có thẩm quyền, chuyên gia, và đặc biệt là người làm báo phải luôn bám sát thực tiễn sinh động của cuộc sống và đặt ra những câu hỏi để đi tìm lời giải cho các vấn đề nảy sinh trong quá trình phát triển…

Hơn thế nữa, theo quy định của Luật Báo chí, các cơ quan báo chí phải thông tin trung thực, phù hợp với lợi ích của đất nước và nhân dân cũng như góp phần thúc đẩy sự phát triển lành mạnh của xã hội, không gây hoang mang trong nhân dân. Hoạt động của các nhà báo và các cơ quan báo chí luôn phải tuân thủ các quy định luật pháp.

CĐS không có gì xung đột với những nguyên tắc cơ bản của báo chí cũng như các quy định pháp luật hiện hành. Việc ứng dụng các sáng tạo của công nghệ thông tin giúp các cơ quan báo chí và người làm báo có thêm một số công cụ giúp kết nối nhanh hơn, tác nghiệp nhiều loại hình trong một sự kiện, liên kết các sự kiện theo chuỗi, nắm bắt được nhu cầu và đáp ứng nhu cầu thông tin của công chúng nhanh hơn và nhiều công cụ khác nữa.

Tuy nhiên, nếu bỏ qua những nguyên tắc cơ bản của báo chí thì những thông tin không chuẩn xác, không kiểm chứng và tin giả trong kỷ nguyên số cũng được truyền đi với tốc độ cực nhanh, có thể tạo ra những cú sốc cho xã hội và có thể nhấn chìm uy tín của người làm báo, cơ quan báo chí một cách nhanh chóng.

Thực tế đã chứng minh CĐS trong báo chí không đơn thuần là cuộc cách mạng về công nghệ truyền thông mà còn là cuộc bứt phá về tư duy làm báo và kỹ năng tác nghiệp đa năng. Người làm báo trong môi trường công nghệ số hiện đại càng cần nhận thức được sứ mệnh của mình, khẳng định bản lĩnh và phát huy năng lực, đóng góp vào sự phát triển bền vững của nền báo chí nước nhà.

+ Xin trân trọng cảm ơn bà!

Tin khác

Đài Truyền hình Việt Nam sẽ phát sóng nhiều chương trình đặc sắc về Chiến thắng Điện Biên Phủ

Đài Truyền hình Việt Nam sẽ phát sóng nhiều chương trình đặc sắc về Chiến thắng Điện Biên Phủ

(CLO) Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, Đài Truyền hình Việt Nam thực hiện nhiều chương trình trọng điểm, phát sóng đa nền tảng trên các kênh và nền tảng số của VTV.

Gần 100 hội viên học tập chuyên đề làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh

Gần 100 hội viên học tập chuyên đề làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh

(CLO) Ngày 26/4, Hội Nhà báo tỉnh Bình Dương đã tổ chức hội nghị học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh cho gần 100 hội viên, nhà báo đang công tác tại các cơ quan báo chí trong tỉnh.

Phát động cuộc thi ảnh báo chí, ảnh nghệ thuật toàn quốc về Quân đội nhân dân Việt Nam

Phát động cuộc thi ảnh báo chí, ảnh nghệ thuật toàn quốc về Quân đội nhân dân Việt Nam

(CLO) Chiều 26/4, tại Hà Nội, Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam tổ chức họp báo giới thiệu Cuộc thi ảnh báo chí, nghệ thuật toàn quốc về Quân đội nhân dân Việt Nam và Quốc phòng toàn dân năm 2024.

Báo Khánh Hòa thực hiện chương trình “Đồng hành cùng ngư dân”

Báo Khánh Hòa thực hiện chương trình “Đồng hành cùng ngư dân”

(CLO) Nhân dịp kỷ niệm 77 năm ngày truyền thống Báo Khánh Hòa, ngày 26/4, Báo Khánh Hòa tiếp tục phối hợp với Công ty Cổ phần Nước giải khát yến sào Khánh Hòa thực hiện chương trình “Đồng hành cùng ngư dân”.

Báo Nông thôn Ngày nay kỷ niệm 40 năm ngày xuất bản số báo đầu tiên

Báo Nông thôn Ngày nay kỷ niệm 40 năm ngày xuất bản số báo đầu tiên

(CLO) Sáng 26/4, tại TP. Sơn La, tỉnh Sơn La, Báo Nông thôn Ngày nay/Điện tử Dân Việt đã tổ chức Lễ tri ân kỷ niệm 40 năm Báo Nông thôn Ngày Nay xuất bản số báo đầu tiên (7/5/1984 - 7/5/2024).

Nam Định hưởng ứng Giải Báo chí toàn quốc về xây dựng Đảng

Nam Định hưởng ứng Giải Báo chí toàn quốc về xây dựng Đảng

(CLO) Ngày 26/4, Ban Chỉ đạo Giải Báo chí toàn quốc về xây dựng Đảng (Giải Búa liềm vàng) lần thứ IX - năm 2024 tỉnh tổ chức hội nghị triển khai Kế hoạch hưởng ứng Giải Búa liềm vàng toàn quốc lần thứ IX - năm 2024.