Trong bối cảnh thương mại là trụ cột quan trọng trong quan hệ đối tác Việt Nam - Australia khi kim ngạch thương mại 2 chiều đã tăng hơn 200 lần trong hơn 3 thập kỷ, từ 32,3 triệu USD trong năm 1990 lên 6,46 tỷ USD trong năm 2017 thì chuyến thăm đã đánh dấu mốc quan trọng, đưa quan hệ giữa ta với Úc và New Zealand lên một tầng nấc mới.
Với Úc, đó là việc chính thức nâng cấp lên quan hệ Đối tác Chiến lược, được hợp thức hóa bằng Tuyên bố chung do hai Thủ tướng ký kết. Với New Zealand, đó là việc tăng cường hơn nữa các nội hàm của quan hệ Đối tác Toàn diện, khẳng định quyết tâm và đề ra lộ trình cụ thể để hướng tới thiết lập Đối tác Chiến lược trong tương lai gần.
Tại New Zealand và Úc, các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp, các trường đại học hai nước đã ký kết nhiều văn kiện, thỏa thuận hợp tác (tại New Zealand là 12; tại Úc là 24), tạo thêm khuôn khổ hợp tác trên các lĩnh vực kinh tế-thương mại, quốc phòng, giáo dục-đào tạo, nông nghiệp, khoa học-công nghệ….
Chuyến thăm cũng là dịp để Việt Nam củng cố lòng tin với chính giới, xây dựng tình cảm với người dân của hai nước Úc và New Zealand. Chuyến thăm đã đặt nền tảng quan trọng để khai phá tiềm năng, thúc đẩy kết nối giữa kinh tế nước ta với kinh tế Úc và New Zealand, mang lại những cơ hội thực chất và lợi ích hữu hình cho địa phương, doanh nghiệp, đáp ứng các yêu cầu đề ra cho các chuyến thăm.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hội đàm với Thủ tướng Malcolm Turnbull. Nguồn: VGP.
Các cam kết của Úc và New Zealand trong mở cửa thị trường nông sản, hỗ trợ kỹ thuật, chuyển giao công nghệ cho một số ngành nông nghiệp mũi nhọn của ta như trồng cây ăn quả, sản xuất lúa gạo, sản xuất và chế biến sữa, trồng và chế biến cây Mắc-ca… hứa hẹn mang lại lợi ích lâu dài cho người nông dân, đóng góp vào việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững của Việt Nam.
Trong ngày đầu tiên tới Sydney, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có cuộc gặp với lãnh đạo 12 tập đoàn tài chính và đầu tư hàng đầu Australia. Các nhà đầu tư này đang quản lý khối lượng tài sản trị giá tới 500 tỷ USD, trong đó riêng tập đoàn đầu tư hạ tầng Macquarie đang quản lý tới 370 tỷ USD. Đi cùng Thủ tướng có 9 tập đoàn lớn của Việt Nam và các bộ trưởng.
Trong phát biểu của mình, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định việc Việt Nam sẽ phát triển thị trường tài chính, áp dụng các tiêu chuẩn của quốc tế vào thị trường Việt Nam với các thể chế tài chính không chỉ đứng đầu ASEAN mà sẽ nhắm đến nhóm OECD. Thủ tướng cũng khẳng định kinh tế tư nhân là trọng tâm được ông quan tâm đặc biệt.
Với 17 thỏa thuận được ký kết tại Úc và 4 thỏa thuận được ký kết tại New Zealand, đã tạo điều kiện cho các bộ, ngành, doanh nghiệp hai nước trao đổi trực tiếp để xác định những cơ hội hợp tác cụ thể trong các lĩnh vực mà nước bạn có thế mạnh và ta đang có nhu cầu như năng lượng, năng lượng tái tạo, hạ tầng cơ sở, nông nghiệp, y tế, giáo dục, giao thông vận tải, thương mại nông sản, công nghiệp phụ trợ và dịch vụ…. Có thể nói, chuyến thăm đã tạo làn gió mới cho hợp tác kinh tế giữa ta với Úc và New Zealand.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã hội đàm với Thủ tướng New Zealand Jacinda Andern và chứng kiến ký kết các văn kiện hợp tác; hội kiến Chủ tịch Quốc hội Trevor Mallard; điện đàm với Toàn quyền New Zealand Patsy Reddy; gặp Thị trưởng thành phố Aucland; dự Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam-New Zealand, tiếp một số tập đoàn, doanh nghiệp lớn của New Zealand; thăm Viện Nghiên cứu cây trồng - thực phẩm New Zealand; thăm, nói chuyện, giao lưu với sinh viên các trường Đại học Waikato, Đại học Công nghệ Auckland và gặp gỡ cộng đồng người Việt tại New Zealand… Trong hội đàm, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern đã thống nhất những phương hướng làm sâu sắc hơn mối quan hệ đối tác toàn diện giữa hai nước.
Hai bên nhất trí thúc đẩy nhiều biện pháp xúc tiến thương mại, trong đó có tạo điều kiện cho hàng nông thủy sản, phấn đấu đưa kim ngạch thương mại hai chiều đạt mục tiêu 1,7-2 tỷ USD vào năm 2020. Hai bên cũng nhất trí tiếp tục đẩy mạnh hợp tác trong các lĩnh vực tiềm năng khác như giáo dục, lao động...; tăng số lượng sinh viên Việt Nam tại New Zealand lên 30% vào năm 2020.
Nhân dịp này, hai bên đã ra Tuyên bố chung về thúc đẩy quan hệ Đối tác toàn diện hướng tới Đối tác chiến lược.
Có thể nói, chuyến công tác của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã tạo động lực và nền tảng vững chắc, không chỉ hiện tại mà còn cho tương lai lâu dài của quan hệ thương mại Việt Nam - Úc và Việt Nam - New Zealand./.
Hoàng Phi - Bảo Anh